Các tổ chức đánh giá tín dụng đáng tin đến mức nào?

Như Anh-Thứ sáu, ngày 20/12/2019 16:02 GMT+7

VTV.vn - Liệu những đánh giá xếp hạng của các tổ chức như Moody’s, Standard and Poor và Fitch có thật sự chuẩn xác, đáng tin?

Những năm đầu thế kỷ 20, người ta chưa có khái niệm về các cơ quan đánh giá tín dụng. Và có rất ít công cụ để đo đạc xem cổ phiếu hay trái phiếu nào là an toàn để đầu tư. Moody’s, S&P và Fitch đã ra đời trong bối cảnh như vậy. Cho tới nay bộ 3 này được coi là Big 3, tức là 3 ông lớn quyền lực nhất trong lĩnh vực đánh giá tín dụng.

Các tổ chức đánh giá tín dụng đáng tin đến mức nào? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ở cả mức độ quốc gia và doanh nghiệp lớn hay nhỏ, đã có những lần các ông lớn này trượt chân, đưa ra những đánh giá tín dụng không chuẩn xác với thời điểm, hoặc thậm chí là bị nghi ngờ chịu ảnh hưởng của lợi ích nhóm.

Điển hình như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 tại Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng chính những đánh giá tín dụng sai lệch của các cơ quan trên đã khiến cuộc khủng hoảng nợ thế chấp nhà bùng nổ. Ngay trước năm 2008, rất nhiều khoản nợ thế chấp nhà vẫn được các tổ chức trên đánh giá ở mức AAA, là mức an toàn lý tưởng nhất, trong khi chỉ 1 năm sau đó, thực tế cho thấy các khoản nợ này chỉ xứng đáng đánh giá ở mức "junk"- tức là rủi ro cực cao- có thể đẩy người mua vào cảnh mất trắng. Nhiều bang của Mỹ lúc đó đã mất hàng trăm triệu USD vì tin tưởng những đánh giá quá chậm chạp và sai lệch này.

Các tổ chức đánh giá tín dụng đáng tin đến mức nào? - Ảnh 2.
Các tổ chức đánh giá tín dụng đáng tin đến mức nào? - Ảnh 3.

Thống đốc Ngân hàng Pháp thời bất giờ, ông Christian Noyer, thậm chí đã giận dữ cáo buộc "Chính các cơ quan đánh giá tín dụng đã thổi bùng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008."

Đáng chú ý hơn, vào năm 2008, những cái tên như Lehman Brothers và AIG vẫn được Moody’s và 2 cơ quan còn lại đánh giá là an toàn để đầu tư, trong khi chỉ vài ngay sau đó các tập đoàn trên đều phá sản.

Có một sự mâu thuẫn không hề nhỏ ở đây. Vào thời kỳ khủng hoảng 2008-2009, các cơ quan trên cho thấy họ đã quá chậm chạp lề mề trong việc hạ mức tín dụng của các khoản nợ, gián tiếp dẫn tới cuộc khủng hoảng. Nhưng hiện nay, thì họ lại quá "nhanh nhảu" trong việc hạ đánh giá đối với các trái phiếu chính phủ.

Ở mức độ quốc gia, những chính phủ như Anh, Mỹ hay Pháp có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi những đánh giá của các cơ quan trên. Nhưng vào cuối năm 2011, khi S&P dọa sẽ hạ mức đánh giá của 15 nước thành viên EU, thì trong khu vực Eurozone đã dấy lên những hoài nghi.

Các tổ chức đánh giá tín dụng đáng tin đến mức nào? - Ảnh 4.

ÔNG RAINER BRUEDERLE, Cựu Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Liên bang Đức tỏ ra quan ngại trong một phát biểu: Tôi không phải là người tin vào các thuyết âm mưu. Nhưng đôi khi thật khó để không nhận ra một điều là các cơ quan đánh giá tín dụng này cố tình gây bất lợi cho các nền kinh tế khu vực EU.

Liệu các cơ quan đánh giá tín dụng này có công tâm? Trước hết, một doanh nghiệp nếu muốn được vào hệ thống đánh giá của họ thì phải nộp một khoản phí từ 1,500 USD đến 2.5 triệu USD, tùy vào quy mô doanh nghiệp. Điều này tạo ra một lo ngại là có xung đột lợi ích, khi doanh nghiệp có thể dùng tiền để xoay chuyển đánh giá có lợi cho mình. Điều này giải thích lý do tại sao khoảng 10 năm trước, hầu như các cơ quan này đều không đả động tới rủi ro của các ngân hàng mà chỉ dựa hoàn toàn vào bảng kiểm toán do chính các ngân hàng này cung cấp.

Các tổ chức đánh giá tín dụng đáng tin đến mức nào? - Ảnh 5.

Một trong những trường hợp điển hình của việc các cơ quan đánh giá này có công tâm không, chính là câu chuyện về tập đoàn bảo hiểm khổng lồ của Đức- Hannover Re. Năm 1998, Moody’s đã tỏ ý muốn đánh giá cho tập đoàn này miễn phí. Và đương nhiên, Moody’s đánh tiếng rằng muốn Hannover hãy cân nhắc việc đăng ký dịch vụ của cơ quan này về lâu về dài. Nhưng chẳng may là Hannover đã đăng ký dịch vụ của Standard&Poor và AM Best (một cơ quan đánh giá tín dụng nhỏ hơn). Vào năm 2003, Moody’s ngay lập tức hạ mức đánh giá tín dụng của Hannover Re xuống mức "junk". Các cổ đông của Hannover Re hoảng hốt và bán tháo cổ phiếu. Hannover Re đã mất 175 triệu USD chỉ trong một buổi chiều.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy quyền lực của 3 ông lớn trên. Cùng với nhau, 3 cơ quan này đang đánh giá tới 95% số nợ toàn cầu. Bất cứ cơ quan đánh giá nào mới chân ướt chân ráo vào thị trường, nếu muốn tồn tại, phải bắt tay với 1 trong 3, hoặc tốt hơn hết là cả 3.

Chính những bất cập trên khiến một số các quốc gia phải lên tiếng cho rằng các cơ quan đánh giá tín dụng này nên được tài trợ bởi những tổ chức công như Liên Hợp Quốc, hay các quỹ được tài trợ bởi cả người cho vay và người vay- thay vì trở thành một công cụ quyền lực cho một số cá nhân tổ chức tư nhân.

TỔNG HỢP BÀI TỪ THE GUARDIAN, ECONOMICTIMES.COM

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước