Cần sớm hoàn thiện cấu trúc thị trường tín chỉ carbon

Tài Phan-Thứ sáu, ngày 30/06/2023 06:30 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia, nếu cấu trúc thị trường tín chỉ carbon không sớm được hình thành, thì không chỉ hạn chế cơ hội tài chính xanh, mà còn có thể làm chậm hành trình Net Zero.

Việc hấp thu được carbon của cây, hay giảm thải carbon so với hạn mức được cơ quan quản lý yêu cầu, hoàn toàn có thể đổi ra những tín chỉ carbon để bán lấy tiền. Khái niệm tín chỉ carbon vẫn còn khá mới mẻ, nhưng đang dần trở thành hiện thực, như một công cụ để khuyến khích các quốc gia đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 Net Zero của mình. Đây cũng là nội dung được quan tâm thảo luận tại hội thảo do VTV tổ chức mới đây.

Là đơn vị kiểm đếm carbon tại Việt Nam, đại diện doanh nghiệp cho biết, mỗi lần tổ chức hội thảo, có tới 600 - 700 doanh nghiệp quan tâm chủ đề này, gấp hàng chục lần so với trước đây. Thực tế, đã có vài chục doanh nghiệp thực hiện kiểm đếm và chứng nhận khí thải do yêu cầu bắt buộc từ đối tác quốc tế.

"Khi các doanh nghiệp nhập khẩu hàng sang châu Âu họ sẽ phải chịu kiểm soát và báo cáo carbon liên quan đến cơ chế này, có hiệu lực từ tháng 10 /2023 này", bà Đặng Thu Quỳnh, Giám đốc Phát triển thị trường, Bureau Veritas Verfication, cho biết.

Cần sớm hoàn thiện cấu trúc thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 1.

Việc hấp thu được carbon của cây, hay giảm thải carbon so với hạn mức được cơ quan quản lý yêu cầu, hoàn toàn có thể đổi ra những tín chỉ carbon để bán lấy tiền.

Chia sẻ tại sự kiện, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết đã triển khai một cổng giao dịch tín chỉ carbon tại Singapore để góp phần gia tăng tính minh bạch và độ tin cậy đối với thị trường giao dịch tín chỉ CO2. Tổ chức này cũng ghi nhận các khoản đầu tư tư nhân hàng chục triệu USD trong thời gian gần đây trong lĩnh vực này.

"Nếu khoảng năm 2018, doanh nghiệp nào nói họ mong muốn đạt trung hòa carbon hay Net Zero thì chắc mọi người sẽ nghĩ họ điên rồi. Nhưng với COP26 và hàng loạt quốc gia cam kết Net Zero thì tiềm năng của thị trường này là không tưởng và thay đổi chóng mặt chỉ sau vài năm", ông Marc S. Forni, chuyên gia phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm hoạ, Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã thí điểm bán thành công tín chỉ cây rừng tại 6 địa phương, đổi lấy 51,5 triệu USD. Tuy nhiên, ở trong nước, để hình thành một thị trường giao dịch tín chỉ CO2 thí điểm như mục tiêu đặt ra vào năm 2025, còn rất nhiều việc phải làm.

"Chúng ta sẽ mã hóa tất cả chứng chỉ carbon. Ví dụ điện gió, mặt trời hay trồng rừng, chúng ta sẽ đưa lên bán. Cung sẽ gặp cầu, chúng tôi sẽ thiết kế thị trường tương đối hiện đại, theo kịp các thị trường carbon trên thế giới hiện nay", ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, cho hay.

Các chuyên gia nhấn mạnh, với tiềm năng thị trường lớn, nhưng nếu cấu trúc thị trường không sớm được hình thành, thì không chỉ hạn chế cơ hội tài chính xanh, mà còn có thể làm chậm hành trình Net Zero.

Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp mong mỏi Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp mong mỏi

VTV.vn - Đến nay, 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục nghìn tập đoàn, doanh nghiệp, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước