Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp mong mỏi

Lan Lê-Chủ nhật, ngày 25/06/2023 14:18 GMT+7

VTV.vn - Đến nay, 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục nghìn tập đoàn, doanh nghiệp, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỷ USD.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Trên thị trường, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ carbon vẫn phụ thuộc vào bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế. Hình ảnh của bên bán ở Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt. Tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỷ USD.

Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp mong mỏi - Ảnh 1.

Ông Tăng Thế Cường, cho hay: "Mục tiêu lớn nhất của định giá carbon và thiết lập thị trường carbon nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác. Tín chỉ carbon là một loại mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện, được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa khác, do đó trao đổi tín chỉ carbon còn được gọi là thị trường carbon. Thông qua thị trường carbon có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp".

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và thu được nhiều lợi ích trong thực hiện các cơ chế khi nhận được hơn 15.000 tỷ đồng thông qua bán tín chỉ carbon từ các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) và gần 35 triệu USD hỗ trợ cho các dự án cơ chế tín chỉ chung (JCM) để áp dụng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ carbon thấp tiên tiến của Nhật Bản.

Lên kế hoạch xây dựng và phát triển thị trường carbon kể từ 2025

Ngay từ năm 2012, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được vạch rõ.

Giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Ông Phan Chiến Thắng - Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Quan hệ Đối ngoại, Công ty Masan High-Tech Materials, cho hay: "Theo lộ trình Chính phủ Việt Nam, thị trường carbon sẽ vận hành chính thức vào năm 2028, từ trước đến nay chúng tôi luôn thực hiện hình thức tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh, tái chế chất thải và có thể nói đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng về kỹ thuật và tài chính để sẵn sàng tham gia việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon trong tương lại, ngay khi thị trường chính thức đi vào vận hành".

Trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng, một loạt các sàn giao dịch tín chỉ carbon đã được thành lập và đưa vào vận hành trong năm 2023. Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường này trong tương lai.

Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp mong mỏi - Ảnh 2.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Sở đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các Sở Giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV năm 2023. Đây sẽ là bước lấy đà rất quan trọng, trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam trong tương lai".

Việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon góp phần cắt giảm lượng khí nhà kính theo hướng như cam kết khí hậu trước đây, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo thỏa thuận về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới hiện có 2 loại phổ biến, là thị trường giao dịch bắt buộc và và thị trường mua bán tự nguyện.

Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch xanh: Cơ hội người dẫn đầu được kỳ vọng sẽ góp phần để các Bộ ngành, doanh nghiệp, đơn vị truyền thông và người dân cùng có góc nhìn chung, cùng đi trên một con đường giảm phát thải ròng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã mở ra. Đó sẽ là một hành trình dài nhưng nó sẽ ngắn lại ngay từ khi chúng ta nắm bắt được cơ hội là những người dẫn đầu trong xu thế chuyển dịch xanh.

Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch xanh: Cơ hội người dẫn đầu, diễn ra vào 8h30 ngày 27/6 tại Hà Nội và được livestream trên nền tảng số quốc gia VTVGo, Fanpage VTVMoney, YouTube VTV24 và TikTok VTV24.

Sức hấp dẫn của Hội thảo NET ZERO - Chuyển dịch xanh: Cơ hội người dẫn đầu Sức hấp dẫn của Hội thảo NET ZERO - Chuyển dịch xanh: Cơ hội người dẫn đầu

Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch xanh: Cơ hội người dẫn đầu" sẽ mang tới những phiên đối thoại thẳng thắn, những góc nhìn chuyên sâu về chuyển dịch xanh trên thế giới.

Doanh nghiệp nỗ lực thực hiện kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính Doanh nghiệp nỗ lực thực hiện kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính

VTV.vn - Theo quy định của Bộ TN&MT, bắt đầu từ năm nay, khoảng 1.920 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước