"Chảy máu" nhân lực ngành du lịch

Vấn đề hôm nay-Thứ bảy, ngày 26/06/2021 06:09 GMT+7

VTV.vn - Gần 40% lực lượng ngành du lịch không còn việc làm. Không thể cầm cự được với nghề, một lượng lớn lao động tìm việc khác.

Tháng 6 như mọi năm là cao điểm của mùa du lịch hè. Thế nhưng đã gần hết tháng, gần như chẳng mấy ai còn lạc quan đi du lịch vì dịch bệnh. Lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 - 90% trong tháng 5 và tháng 6. 

Tình trạng này không còn quá lạ với các doanh nghiệp lữ hành sau khi hứng chịu liên tiếp các đợt dịch COVID-19 đều vào mùa cao điểm du lịch. Và thậm chí, rất nhiều trong số đó chẳng mấy còn bận tâm vì họ và những lao động của doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường.

Chảy máu nhân lực ngành du lịch - Ảnh 1.

Khách du lịch giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp cũng như lao động trong ngành đã rời khỏi thị trường (Ảnh: VOV)

Như tại Hà Nội, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước khoảng 95%, trong đó 90% lao động nghỉ việc. Tại Đà Nẵng, 90% doanh nghiệp du lịch ở đây đóng cửa. Trong khi theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp lữ hành là còn đang hoạt động cầm chừng sau 5 tháng đầu năm 2021. 

Gần như không có khách du lịch quốc tế. Lượng khách du lịch quốc tế 5 tháng giảm đến gần 98%. Dẫn đến vị trí công việc dẫn tour, hướng dẫn viên du lịch xin nghỉ đến 90%. Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch, tính chung trên cả nước có 18% doanh nghiệp du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc.

Tính đến hết quí I năm nay, chỉ còn hơn 60% lực lượng lao động ngành du lịch có việc làm so với trước dịch.

"Chúng tôi đã tiến hành khảo sát từ cuối năm ngoái đến tháng 5/2021, ước tính khoảng 40% số công ăn việc làm ngành du lịch mất đi so với cùng kỳ năm 2019 - tương đương khoảng 800.000 công ăn việc làm trong ngành từ khách sạn, công ty du lịch lữ hành, nhà hàng... trong 16 tháng vừa qua. Những người làm còn lại trong ngành thì thu nhập giảm rất nhiều, trung bình giảm 40% so với trước khi COVID-19 xảy ra", Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết.

Theo ông Kiên, khi dịch hết đi, ngành du lịch quay trở lại thì việc quan trọng nhất và khó nhất là phục hồi nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực cấp cao. Những nhân lực cấp cao mất rất nhiều thời gian để đào tạo và khi họ chuyển dịch sang một vị trí khác thường mất ít nhất 2 - 3 năm mới quay trở lại. 

"Chúng ta kỳ vọng rằng năm 2023 có lượng khách nội địa và quốc tế tương đương với năm 2019 thì chắc chắn sẽ thiếu một lượng lớn lao động cấp cao để phục vụ khách", ông Kiên nhấn mạnh.

Nhiều lao động sau nghỉ việc đã tìm được việc thích hợp, có thu nhập tương đương như trước, đam mê với du lịch đã mai một đang khiến họ không có nhu cầu quay trở lại ngành. Rõ ràng nhân lực du lịch đang bị "chảy máu" gần hết trong đại dịch. 

Doanh nghiệp có tồn tại thì mới có việc cho người lao động. Có thể thấy hiện các doanh nghiệp phải cầm cự được thì mới giữ được lao động. Thống kê của Hội đồng tư vấn du lịch, chi phí quản lý và trợ cấp tài chính cho nhân viên phải nghỉ việc là những phát sinh lớn nhất đâu đó gần 70%. 

Chảy máu nhân lực ngành du lịch - Ảnh 2.

Ngành du lịch đối diện nguy cơ thiếu nhân lực hậu COVID-19

Theo ông Kiên, khi một thị trường quy mô trên 33 tỷ USD giảm xuống còn dưới 10 tỷ USD thì chắc chắn có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Và khi nhìn nhận rằng năm 2022 - 2023 sẽ phục hồi trở lại thì cần phải có những doanh nghiệp tốt. Việc để cho doanh nghiệp tồn tại được cần 2 vấn đề quan trọng. 

"Thứ nhất chúng ta phải có được dòng tiền để đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại. Thứ hai có một con đường, một tương lai tương đối rõ ràng cho các doanh nghiệp đó nhìn thấy có thể tiếp tục trụ lại", ông Kiên cho biết. 

Trước đại dịch, du lịch Việt Nam liên tục khẳng định trong dách sách điểm đến hấp dẫn toàn cầu cũng như khu vực nhờ những nỗ lực bảo tồn tự nhiên, đầu tư trúng đích vào cơ sở hạ tầng, và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bởi vậy, câu chuyện giữ chân lao động để bảo đảm nhân lực khi du lịch phục hồi không chỉ nhằm giữ sinh kế trước mắt cho họ, mà chính là để bảo đảm cho khả năng bứt tốc của du lịch Việt Nam ở cuộc đua khẳng định vị trí trong thị trường du lịch quốc tế hậu đại dịch COVID-19.

Việc "chảy máu" nhân lực ngành du lịch đang trầm trọng ra sao? Xu hướng này còn kéo dài hay không? Giải pháp nào cho vấn đề này? Những câu hỏi này phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 25/6.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước