Chuyển đổi nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội: Làm thế nào để chuyển đổi công năng hợp lý?

VTV Digital-Thứ ba, ngày 28/03/2023 11:22 GMT+7

VTV.vn - Sau hàng chục năm bỏ hoang, hai tòa nhà ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, Hà Nội, được thành phố dự kiến cải tạo thành nhà ở xã hội.

Khu nhà ở sinh viên vắng vẻ

Hà Nội vốn luôn được biết đến là thành phố đất chật, người đông. Nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, có mức giá vừa túi tiến đang lớn hơn bao giờ hết. Bởi vậy, trước thông tin Hà Nội sẽ điều chỉnh và chuyển đổi khu nhà ở sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội, đã được người dân hết sức quan tâm.

Mặc dù đã được bàn giao từ năm 2015, nằm ở khu vực có giao thông đông đúc, có thời điểm khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp đã tiếp nhận được đến 80% sinh viên đến ở. Tuy nhiên hiện nay trong số 3 khối nhà cho sinh viên vào thuê, chỉ có duy nhất 1 khối nhà đang hoạt động, với số lượng sinh viên đến ở chiếm khoảng 30%, còn 2 khối nhà khác thì không hoạt động.

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp với khả năng đáp ứng 10.800 chỗ ở, giá thuê nhà theo tháng chỉ 205.000 đồng/chỗ ở. Nguyên nhân chính khiến 3 khối nhà đã đi vào hoạt động là A6, A5, A1 vắng sinh viên thuê, theo nhiều chuyên gia do vị trí của dự án không phù hợp, không gần các trường đại học, xung quanh lại không có đầy đủ tiện ích cho người đến ở. Vì vậy, nằm ngay cạnh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp Vành đai 3 - những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, dự án vẫn vắng vẻ như gần 10 năm trước.

Chuyển đổi nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội: Làm thế nào để chuyển đổi công năng hợp lý? - Ảnh 1.

Nằm ngay cạnh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp Vành đai 3 - những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, hiện dự án khu nhà ở sinh viên tại Pháp Vân- Tứ Hiệp vẫn vắng vẻ như gần 10 năm trước.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Khánh Việt cho hay: "Sinh viên rất cần ở gần chỗ học để giảm thời gian, chi phí đi lại. Các bạn tiết kiệm được thời gian, đồng nghĩa với việc các bạn đi làm thêm được. Khi chúng ta đặt một trụ sở cho sinh viên rất nhiều tầng và rất nhiều phòng nhưng mà tại Pháp Vân, không gần trường đại học nào ở đó rõ ràng không thể hút được sinh viên. Chúng ta lại không có một chính sách nào, hoàn toàn là tự nguyện, nên không thể hút được các bạn sinh viên về đấy".

Khởi công từ tháng 9/2009, với tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh gần 1.900 tỷ đồng cho 6 hạng mục nhà chính. Hiện khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn còn 2 khu nhà A2, A3 đang xây dựng dở dang. Còn nhà A4 thậm chí chưa xây dựng được, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Cần sớm chuyển đổi nhà sinh viên thành nhà ở xã hội

Có thể thấy khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm ở vị trí cửa ngõ Hà Nội ở phía Nam, kết nối thuận tiện với nhiều tỉnh, thành. Nếu thành nhà để ở, rất nhiều người dân đang làm việc tại Hà Nội chắc chắn sẽ rất quan tâm.

Cách 3 khu nhà đã hoàn thiện và cho sinh viên vào ở chỉ vài trăm mét, vẫn tại dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội, quang cảnh tại những khu nhà còn lại hoàn toàn trái ngược khi tất cả đều hoang tàn, xuống cấp, nước ngập kín hầm để xe…

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại khu nhà A2 thuộc khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, dù khu nhà này đã được xây xong phần thô từ năm 2015, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, tức gần 10 năm trôi qua, thực trạng ở đây vẫn không khác gì so với gần 10 năm trước, mọi thứ vẫn còn vô cùng ngổn ngang. Trong khi nhà ở tại Hà Nội đang là một vấn đề nan giải, tình trạng này đang gây ra một sự lãng phí lớn.

Năm 2017, Sở Xây dựng từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên phải đến đầu năm nay, thành phố Hà Nội mới chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án, bằng tiền ngân sách. Hiện Ban quản lý Dự án đang báo cáo thành phố để quyết toán, kết thúc dự án cũ.

Chuyển đổi nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội: Làm thế nào để chuyển đổi công năng hợp lý? - Ảnh 2.

Cần hơn 200 tỷ đồng để chuyển đổi nhà ở sinh viên "bỏ hoang" thành nhà ở xã hội. Ảnh: Dân trí.

Ông Đồng Phước An - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội cho biết: "Phần kinh phí phục vụ cho quyết toán dự án cũ khoảng 300 tỷ đồng, còn chuyền đổi nhà A2, A3 sang nhà ở xã hội cũng mất chi phí khoảng trên 200 tỷ đồng để hoàn thiện và chuyển đổi. Còn nhà A4 chưa có mặt bằng để chuyển đổi thì hiện nay thành phố cũng chỉ đạo dự kiến sẽ đầu tư vào giai đoạn 2026 - 2030, khi chúng ta đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng ở đây".

Về nguồn vốn thực hiện dự án, theo các chuyên gia, không phải là vấn đề quá khó bởi có thể huy động từ các nguồn quỹ, vốn phục hồi kinh tế, hay trong chương trình ưu tiên phát triển nhà ở xã hội… Vấn đề lớn nhất được nhiều người quan tâm lúc này đó là làm thế nào để chuyển đổi công năng nhà ở cho hợp lý. Bởi dự án đã được thiết kế từ năm 2009, diện tích mỗi phòng chỉ khoảng 57m2 bao gồm nhà vệ sinh, không có nhà bếp, chỉ phù hợp với nhu cầu của sinh viên. Hiện nhiều quy chuẩn và quy định liên quan đến nhà chung cư đã có nhiều thay đổi.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Uỷ viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá: "Với quy mô khoảng chừng độ 50 - 60m2 không phải là quá nhỏ so với quy mô bố trí của nhà ở xã hội. Những phần diện tích quá nhỏ dưới 40m2 có thể người ta phải tính phương án thiết kế dồn ba căn hộ thành hai căn hộ… Quan trọng nhất ở đây tôi cho rằng phải có phương án quy hoạch, dành không gian để phát triển các hạ tầng xã hội như nhà trẻ, y tế, các nơi cung cấp dịch vụ đời sống cho cư dân khi người ta đến đó".

"Trước kia mô hình sinh viên ở dự án thì mỗi phòng ở sẽ khép kín, phục vụ cho 8 sinh viên, khoảng 60m2 tổng diện tích sàn. Với diện tích này chuyển đổi sang nhà ở xã hội rất thuận lợi vì nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp theo quy định dưới 70 m2/căn hộ. Nên tôi thấy việc chuyển đổi này không có vướng mắc lớn", ông Đồng Phước An - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội nhận định.

Theo chia sẻ từ đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội, với rất nhiều thủ tục, nhiều khâu, dự kiến việc hoàn thiện dự án và chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội này sẽ hoàn tất trong năm 2025. Như vậy, phải mất 2 năm nữa, những khối nhà bỏ hoang lâu năm, nằm sừng sững tại cửa ngõ thủ đô này mới có thể hồi sinh và được trả lại đúng chức năng lẽ ra phải có của nó: Là nhà ở, phục vụ nhu cầu của người dân.

Khu ký túc xá nghìn tỷ bỏ hoang sắp thành nhà ở xã hội Khu ký túc xá nghìn tỷ bỏ hoang sắp thành nhà ở xã hội

VTV.vn - Sau hàng chục năm bỏ hoang, dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp sắp được chuyển đổi thành nhà ở xã hội cho thuê.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước