Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tới năm 2025 với mục tiêu phát triển 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với nguồn vốn khoảng 12.500 tỷ đồng. Trong số đó sẽ dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các toà nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê.
Từ năm 2009, dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được đầu tư gần 1.900 tỷ đồng khởi công xây dựng trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía Nam Thủ đô, ngay cạnh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp Vành đai 3, đường Giải Phóng, là những tuyến đường huyết mạch, gần nhiều trường đại học, cao đẳng. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, chỉ có 2 khối nhà A5 và A6 là hoạt động, còn 4 khối nhà 17 tầng khác vẫn bỏ hoang.
Đa số các tòa nhà chỉ mới xây xong phần thô. Nhiều khu vực xuất hiện dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Phía dưới chân các toà nhà này chỉ có vài doanh nghiệp thuê làm kho xưởng. Thông tin Thành phố Hà Nội sẽ chuyển đổi công năng 4 tòa nhà bỏ hoang thành nhà ở xã hội đã khiến nhiều người vui mừng xen lẫn băn khoăn.
Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng báo cáo, đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa nhưng đề xuất đã sớm phá sản.
Mới đây, Hà Nội đã tái khởi động dự án này bằng việc đầu tư cải hoán công năng từ tiền ngân sách. Hiện các sở ngành của thành phố đang tập hợp các phương án để có thể triển khai chuyển đổi công năng các tòa nhà bỏ hoang trong quý II.
Nhu cầu nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội hiện rất lớn. Với tốc độ tăng dân số, mỗi năm cần có thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở. Đối với Hà Nội, một trong các giải pháp là chuyển đối các ký túc xá không hoạt động thành nhà ở. Tuy nhiên, việc chuyển đổi công năng liệu có hợp lý hay không?
Hiện Hà Nội có 3 khu ký túc xá là Làng sinh viên Hacinco, Mỹ Đình 2 và khu Pháp Vân-Tứ Hiệp. Trong khi ký túc xá Hacinco và Mỹ Đình 2 luôn đông học sinh sinh viên thuê ở bởi sự thuận tiện đi lại, phương tiện xe công cộng đón ngay cổng khu ký túc xá, các dịch vụ ăn uống được quy hoạch ngay dưới chân các tòa nhà thì khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp tuy rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều nhưng lại bị bỏ hoang, bao năm không thể lấp đầy sinh viên tới ở. Việc chuyển đổi hạ tầng phụ trợ và các khu chức năng đủ để trở thành các căn hộ khép kín, đủ tiện nghi sẽ là một bài toán không dễ với các nhà quản lý.
Theo các chuyên gia, về mặt pháp lý, việc chuyển đổi công năng từ ký túc xá sang nhà ở xã hội được cho là khá thuận lợi khi những khối nhà này đều được đầu tư bằng tiền ngân sách nên sẽ không phát sinh những bất cập với chủ đầu tư. Việc quan trọng nhất lúc này đó là làm sao để việc chuyển đổi công năng phải phù hợp với nhu cầu cuộc sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những tiện ích điện, đường, trường, trạm đi kèm.
Thay đổi tư duy trong phát triển nhà ở
Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Xây dựng, dự báo nhu cầu về nhà ở sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Hai thành phố lớn có sức hút dân số cao đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị.
Tỷ lệ dân số đô thị Việt Nam hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030. Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, cần tới 1 triệu căn từ nay tới 2030. Trong khi nguồn lực vẫn còn hạn chế thì ngoài việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính, áp dụng các giải pháp tài chính và nguồn lực đất đai một cách linh hoạt, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng loại hình nhà ở xã hội thì việc thay đổi tư duy trong tạo quỹ nhà ở xã hội là vô cùng cần thiết và cấp bách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!