COP27 nhất trí thành lập Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại”

VTV Digital-Thứ hai, ngày 21/11/2022 09:42 GMT+7

VTV.vn - Thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng của COP27 đã chính thức thông qua. Điều khoản đáng chú ý nhất là việc các nước nhất trí thành lập Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại”.

Sau 14 ngày làm việc liên tục, kéo dài thêm 1 ngày so với dự kiến ban đầu, Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) đã chính thức bế mạc hôm qua tại Ai Cập. Hội nghị đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng.

Thỏa thuận cuối cùng của COP27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vấn đề bồi thường khí hậu dù lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo chính thức nhưng đã đạt được bước tiến lịch sử.

Thỏa thuận cuối cùng của COP27 đã nhất trí thành lập Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại". Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa, các hòn đảo do mực nước biển dâng cao.

Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.

COP27 nhất trí thành lập Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry (giữa), và các nhà đàm phán tham dự phiên toàn thể bế mạc COP27 ngày 20/11. (Ảnh: Reuters)

Để cập nhật những thông tin về kết quả Hội nghị COP27 cũng như nguồn tiền từ Quỹ Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại”, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tấn, Phó trưởng đoàn Việt Nam tham dự COP27 lần này.

PV: Ông có thể cho biết việc các nước nhất trí đưa vào thỏa thuận cuối cùng điều khoản thành lập Quỹ Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” tại COP27 có ý nghĩa như thế nào?

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27: Nổi bật nhất là các bên thống nhất sẽ thành lập là quỹ giải quyết vấn đề tổn thất, thiệt hại. Trải qua hơn 30 năm đàm phán, nội dung này mới lần đầu được đưa vào thực hiện. Đây là thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển, dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc thành lập ra quỹ, nhưng đóng góp cho kỹ như thế nào, nguồn lực được bao nhiêu thì con số này chắc chắn cũng còn phải mất nhiều thời gian, mất nhiều công sức để các bên tiếp tục đàm phán.

PV: Phái đoàn Việt Nam tham gia COP27 lần này đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về mục tiêu Net Zero (phát thải bằng 0) vào năm 2050. Việt Nam coi vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn. Ông có thể cập nhật những đóng góp của Việt Nam tại COP27 lần này?

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27: Rất nhiều nước, tổ chức đã mời Việt Nam trao đổi tại những hội nghị quan trọng trong những ngày Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có mặt tại hội nghị. Nổi bật là cuộc họp hàng năm của các nước tham gia cam kết metan do Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry chủ trì với sự tham gia của hơn 40 bộ trưởng ngày 14/11. 100 nước tham gia tuyên bố metan ngày 17/11. Cả 2 hội nghị này đều mời Việt Nam phát biểu và với cái thời lượng rất thích hợp. Tôi đã đi tham dự nhiều năm, nhưng chưa năm nào thấy vị thế của Việt Nam, tiếng nói của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các thỏa thuận của hội nghị được nổi như hội nghị lần này.

Thị trường carbon - nguồn lực tài chính chống biến đổi khí hậu

Như ông Tấn chia sẻ, Việt Nam đã tham dự 2 sự kiện quan trọng bên lề COP27 liên quan đến cam kết giảm phát thải khí metan - loại khí nhà kính là thủ phạm đứng thứ 2 gây biến đổi khí hậu. Để tiến tới lộ trình Net Zero (phát thải ròng về 0), các quốc gia cần thu hút một lượng tài chính khổng lồ.

Một trong số giải pháp đó là thông qua cơ chế thị trường carbon hay còn gọi là thị trường mua bán quyền phát thải. Thị trường này hoạt động dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Đây cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại COP27 năm nay.

Điều 6 của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đạt được năm 2015 đã thiết lập một khuôn khổ để các quốc gia trao đổi, định giá tín chỉ carbon dựa trên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Hiện mỗi quốc gia, khu vực lại có cơ chế định giá khác nhau. Châu Âu định giá sàn CO2 từ 76 USD/tấn. Nhiều bang ở Mỹ chỉ định giá 30 USD/tấn. Trong khi các quốc gia đang phát triển định giá dưới 25 USD/tấn.

Nhiều quốc gia miễn cưỡng áp đặt mức sàn carbon do lo sợ mất khả năng cạnh tranh quốc tế. Chuyên gia Stephane Hallegatte của World Bank - người trực tiếp tham dự các phiên thảo luận tại COP27, chia sẻ rằng, thay vì áp đặt giá phổ quát, các nước nên hợp tác để kết nối các thị trường carbon với nhau.

"Điều nên làm bây giờ là nghiên cứu cơ chế kết nối các thị trường carbon sẵn có lại với nhau, tạo ra một thị trường có tính ổn định cao hơn. Bên cạnh đó nếu một quốc gia tăng giá năng lượng, quốc gia đó cũng cần tăng giá carbon phát thải theo tỷ lệ tương ứng", ông Stephane Hallegatte, Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu, World Bank, nhận định.

Mới đây, một nền tảng giao dịch carbon cũng đã được hình thành với sự tham gia của hơn 40 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

"Nền tảng giao dịch carbon là nền tảng cho phép tiến hành các giao dịch giữa các nước mua và bán tín chỉ carbon trên một sân chơi bình đẳng, nơi các nước bán có thể được hưởng lợi. Điều đó có nghĩa là nếu một nước có carbon để giao dịch, chúng tôi sẽ hỗ trợ nước đó về khung quản trị, cũng như làm rõ và phát triển các thỏa thuận. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là những giao dịch đầu tiên trên thế giới theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris mà các nước đã nhất trí tại Hội nghị COP26 năm ngoái về giao dịch carbon", bà Helena Mcleod, Phó Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI), cho biết.

Theo ước tính, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ thì có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Theo cập nhật nhất của Ban thư ký tại COP27 lần này, mục tiêu tài chính khí hậu 100 USD tiếp tục bị lỡ hẹn. Con số đóng góp hiện từ các nguồn khác nhau chỉ vào khoảng 84 tỷ USD. Đây mới chỉ là ước tính, chưa thể chứng minh con số này là chuẩn xác. Đến cuối năm 2023, cam kết 100 tỷ USD này nhiều khả năng mới có thể đạt được.

Dù thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng tại COP27 không đi xa hơn so với cam kết đặt ra tại hội nghị COP26 năm ngoái liên quan tới các vấn đề chủ chốt, nhưng ít nhất tiếng nói của những nước đang phát triển bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu đang dần lớn hơn. "Cùng nhau thực thi", chủ đề COP27 năm nay chắc chắc sẽ là từ khóa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.

COP27 nỗ lực đi đến thỏa thuận đóng góp tài chính COP27 nỗ lực đi đến thỏa thuận đóng góp tài chính

VTV.vn - Mới đây, Ai Cập - nước đăng cai Hội nghị COP27, kêu gọi các bên tìm cách đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa khi nhiều nước vẫn đang tranh cãi về đóng góp tài chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước