Đề xuất EU từng bước bỏ kiểm soát EO trong mỳ ăn liền Việt Nam

P.V-Thứ tư, ngày 02/11/2022 19:44 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Hơn 8 tháng triển khai, việc cấp chứng nhận cho từng lô hàng mỳ ăn liền xuất khẩu vào EU đã tạo gánh nặng đáng kể về hành chính và chi phí thương mại đối với Việt Nam...

Bộ Công Thương vừa có văn bản về chuẩn bị nội dung phiên họp Ủy ban SPS/WTO lần thứ 84 gửi đến Văn phòng SPS Việt Nam để trả lời đề nghị của Văn phòng SPS Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam có ý kiến để tháo gỡ khó khăn trước việc sản phẩm mì ăn liền bị kiểm soát dư lượng ethylene oxide (EO).

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ đã tích cực phối hợp với dầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định Về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong việc thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Cùng với đó, Bộ đã phối hợp trong việc yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng luôn tích cực phối hợp với các bộ, ngành và chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo, các phiên họp chính thức và không chính thức về minh bạch hóa do Ủy ban SPS/ WTO tổ chức.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai thông báo các dự thảo và quy định hàng tháng về SPS của các nước thành viên WTO tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và tiếp nhận phản hồi, giải đáp, hướng dẫn đối với các nội dung có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo đó, kể từ tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định để kiểm soát dư lượng ethylene oxide.

Sau hơn 8 tháng triển khai, việc cấp chứng nhận cho từng lô hàng mỳ ăn liền xuất khẩu vào EU đã và đang tạo gánh nặng đáng kể về hành chính và chi phí thương mại đối với Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Tổ công tác của Văn phòng SPS Việt Nam trao đổi với cơ quan có liên quan; trong đó, nêu những quan ngại về những khác biệt trong áp dụng quy định kiểm soát dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm bởi các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mặt khác, yêu cầu EU cung cấp số liệu thống kê và đánh giá về việc kiểm soát dư lượng ethylene oxide trong mặt hàng mỳ ăn liền xuất xứ từ Việt Nam từ tháng 2/2022 đến nay, làm rõ cơ sở để áp dụng, duy trì cũng như giảm thiểu biện pháp kiểm tra và yêu cầu giấy chứng nhận dư lượng ethylene oxide, xây dựng kế hoạch từng bước dỡ bỏ các biện pháp này.

Ethylene oxide (EO) là một hợp chất hữu cơ thường thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy, được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng rất hiệu quả dành cho sản phẩm nông sản, thực phẩm.

Ethylene Oxide có tính xuyên thấu tốt, thẩm thấu xuyên qua các chất liệu như giấy, nhựa, vải. Nhưng vì thế mà nó cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, đột biến gen khi tiếp xúc thường xuyên.

Do nhiều lo ngại về vấn đề sức khỏe do ethylene oxide gây ra trên người nên Cơ quan quản lý thực phẩm Mỹ và châu Âu cũng có nhiều khuyến cáo về chất này. Thị trường các nước ở châu Âu, Canada và Mỹ, thực phẩm được khử trùng bằng Ethylene Oxide là không được phép.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước