Doanh nghiệp buồn, vui sau điều chỉnh tỷ giá

Quỳnh Như - Minh Sơn (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 19/08/2015 22:59 GMT+7

VTV.vn - Trong khi các DN xuất khẩu tỏ ra hài lòng vì giá thành xuất khẩu sắp tới sẽ cạnh tranh hơn thì nhiều DN nhập khẩu lại khá lo lắng vì phải tăng chi phí đầu vào.

Với động thái điều chỉnh tỷ giá lần thứ tư của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định đây là việc hết sức cần thiết trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực và thế giới liên tục biến động.

Công ty Cổ phần Thủy hải sản Sài Gòn APT là đơn vị chuyên xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản với doanh thu hàng năm khoảng 5 triệu USD. 10 ngày qua, khi đồng Nhân dân tệ giảm mạnh, sản phẩm từ Trung Quốc có sức cạnh tranh hơn, doanh nghiệp này nhận được khá nhiều email của khách hàng nước ngoài phàn nàn về việc giá các mặt hàng ở Việt Nam quá cao. Không ít đơn đặt hàng trong tháng 9, tháng 10 cũng vì thế mà bị giảm số lượng.

Tuy nhiên, động thái điều chỉnh tỷ giá rất kịp thời của NHNN hai lần trong 1 tuần đã khiến doanh nghiệp rất phấn khởi. Ông Trương Tiến Dũng - Tổng GĐ CTCP Thủy hải sản Sài Gòn APT - nói: “Chúng tôi rất hy vọng với việc điều chỉnh tỷ giá này, cơ hội để chúng ta tiếp cận lại với đối tác, đặt vấn đề lại trong việc mua bán có thể sẽ thuận lợi hơn”.

Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu lạc quan về tình hình kinh doanh thì việc điều chỉnh tỷ giá lại khiến các doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu đau đầu với bài toán cân đối chi phí.

Công ty CP Nam Thái Sơn đang phải nhập nguyên liệu nhựa trên 80% từ các nước Trung Đông, thanh toán hoàn toàn bằng USD. Khi tỷ giá USD/VND tăng thêm 1%, doanh nghiệp phải chi thêm 400.000 đồng cho một tấn hạt nhựa nhập khẩu.

Ông Trần Việt Anh - Giám đốc CTCP Nam Thái Sơn - cho biết: “Việc tăng tỷ giá ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành sản xuất khi tiêu thụ nội địa, trong khi DN không thể tăng giá ngay lúc này, đặc biệt là những sản phẩm đã ký dài hạn vì chúng tôi hay cung cấp cho những khách hàng đã ký hợp đồng từ 3 đến 6 tháng. Do sự thay đổi quá nhanh nên tác động không nhỏ đối với DN là về chi phí đầu vào”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với một nền kinh tế hướng xuất khẩu như Việt Nam, về cơ bản sẽ được lợi sau mỗi lần điều chỉnh tỷ giá, giúp hàng hóa Việt Nam có được sức cạnh tranh cao hơn. Nhưng đây cũng không phải là điều lợi quá lớn bởi các đối tác cũng thường yêu cầu điều chỉnh giá trị hợp đồng cho tương thích với bước nhảy của tỷ giá USD và VND.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước