Doanh nghiệp chế biến gỗ đẩy mạnh xuất khẩu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 08/07/2023 12:35 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do do (FTA).

5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, tức giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương.

Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Thanh Hoá đang thực hiện các giải pháp đa dạng hoá sản phẩm, linh hoạt tìm kiếm thị trường, phục hồi tăng trưởng trở lại.

Là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn trong sản xuất, chế biến gỗ tại Thanh Hoá, ngay từ đầu quý III/2023, Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng, Thanh Hóa đã xúc tiến thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu.

Hiện nay, công ty này đang đẩy mạnh công suất hoạt động của nhà máy chế biến gỗ để kịp đơn hàng. Cùng với sự nỗ lực vượt khó, doanh nghiệp này kỳ vọng hoạt động sản xuất có nhiều khởi sắc thời gian tới.

"Bắt đầu thị trường khởi sắc lên, doanh nghiệp cũng nắm bắt cơ hội để tái đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải tiến chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá thị trường. Thị trường chính của doanh nghiệp là các nước châu Á thì hiện doanh nghiệp cũng đang chuyển hướng sang châu Âu", bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng, Thanh Hóa cho hay.

Doanh nghiệp chế biến gỗ đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ, dù đã có những tín hiệu khởi sắc, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn trước mắt. Ảnh minh họa.

Thanh Hoá hiện có gần 200 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến gỗ. Các doanh nghiệp chế biến gỗ cho biết tình hình đơn hàng, thị trường tiêu thụ đã bắt đầu khởi sắc cả ở trong nước và xuất khẩu, lượng đơn hàng tăng qua từng tháng. Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách có hiệu lực từ ngày 1/7 như giảm thuế giá trị gia tăng đã khuyến khích doanh nghiệp tăng cường sản xuất.

Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Một số thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Trung Quốc và EU đã bắt đầu có tín hiệu mua hàng trở lại. Từ giờ đến cuối năm, Hiệp hội xác định thị trường sẽ tốt hơn, đẩy mạnh sản xuất, chế biến để bù lại những tháng đầu năm. Mong muốn ngân hàng tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất".

Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, dù đã có những tín hiệu khởi sắc, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn trước mắt. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng các Bộ, ngành sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT, truy xuất nguồn gốc hàng hoá, nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Ngoài gỗ, nhìn chung các mặt hàng nông sản chính, trong 6 tháng đầu năm, vẫn đạt giá trị gần 12,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm, ngành nông nghiệp các địa phương cần đẩy mạnh giải pháp xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu, trọng tâm vào các sản phẩm khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu xuất khẩu cả năm.

Hiện nay, Công ty TNHH Tư Thành, Thanh Hóa đang tăng ca, tăng kíp sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu để kịp các đơn hàng. Các sản phẩm nông sản của công ty khá đa dạng, có lợi thế cạnh tranh, được đóng gói cẩn thận theo quy trình nghiêm ngặt nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

"Đơn hàng mới khá nhiều, đa dạng mặt hàng từ dứa cây, vải thiều, tất cả đều đóng hộp xuất khẩu. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng đa dạng hoá mặt hàng hơn nữa có lợi thế ở Việt Nam để xuất khẩu các nước như Nhật, Pháp", bà Đồng Thị Tuyết Anh - Giám đốc Công ty TNHH Tư Thành, Thanh Hóa cho biết.

Doanh nghiệp chế biến gỗ đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Ảnh minh họa.

Cùng với nỗ lực duy trì khách hàng truyền thống, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường, tích cực tìm kiếm và xúc tiến thương mại sang các thị trường mới như Đông Âu, Trung Đông, Nam Á…

Theo Sở Công thương Thanh Hoá, sau 6 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt hơn 100 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và xuất khẩu nông sản Việt, Thanh Hóa cho biết: "Ngoài khách hàng Châu Âu ra thì chúng tôi vẫn đang khai thác thêm một số thị trường mở rộng ra như châu Á hay Đông Âu. Để khai thác thị trường rộng lớn thì phải thông qua nhiều kênh. Về chất lượng sản phẩm luôn đạt chất lượng cả về mẫu mã và cảm quan".

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đang chủ động tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp gỗ chưa được hoàn 6.100 tỷ đồng tiền thuế Doanh nghiệp gỗ chưa được hoàn 6.100 tỷ đồng tiền thuế

VTV.vn - 6.100 tỷ đồng là tổng số tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn, trong đó ngành dăm gỗ chiếm gần 2/3.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước