Doanh nghiệp thực hành ESG, hướng đến phát triển bền vững

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 18/11/2023 15:03 GMT+7

VTV.vn - Trong xu thế toàn cầu chuyển sang phát triển bền vững và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các DN Việt Nam đã có động thái tích cực đón nhận mục tiêu liên quan đến ESG.

Quy trình sản xuất xanh

Nguyên liệu để làm nên chiếc quần sooc cho bé từ 95 - 100% là từ nguồn tài chế của vải, nylon, chai nhựa, thủy tinh, lông vũ. Những dòng vải sợi có nguồn gốc sinh thái, hay nguyên liệu vải được tái chế đang góp phần vào việc giảm đi tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Đó chỉ là một phần trong nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành dệt may việc đảm bảo trách nhiệm với môi trường, bởi còn có rất nhiều việc các doanh nghiệp đang làm để thực hiện quá trình chuyển dịch xanh.

Ghi nhận tại một nhà máy dệt may, cùng với nguồn nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ sản phẩm hữu cơ hoặc có thành phần tái chế từ 95 - 100%, quá trình chuyển đổi từ sản xuất dệt may truyền thống sang dệt may bền vững đã được doanh nghiệp triển khai ngay từ khi xây dựng nhà máy.

Việc chuyển dịch sang sẽ buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào giai đoạn đầu. Việc xây dựng một nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ làm tăng chi phí hơn 25% so với nhà máy thông thường. Tuy nhiên trong ngắn hạn, doanh nghiệp không phải khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương, như lđất hay là nguồn nước ngầm cho quá trình xây dựng; còn về dài hạn, sẽ giúp tăng tuổi thọ nhà máy, chu kỳ sử dụng các thiết bị và giúp doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, nhờ đó tăng được sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu.

Thúc đẩy phát triển bền vững

ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hiện ESG không chỉ là cam kết, là trách nhiệm, mà hơn hết là hành động như thế nào. Các doanh nghiệp đã có những giải pháp đi liền hành động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung.

Vinamilk năm nay đã ra mắt 1 nhà máy và trang trại đầu tiên đạt chuẩn trung hòa carbon. Không chỉ tăng cường năng lực và quản trị, các giải pháp về yếu tố con người và xã hội, cũng được các doanh nghiệp rất quan tâm.

Doanh nghiệp thực hành ESG, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đang biến các cam kết về ESG thành hành động cụ thể. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Một dự án gần đây nhất là tái sinh rừng ngập mặn vườn quốc gia Cà Mau 25 ha, hướng tới trên 100.000 cây con mọc tại khu vực này. Tiếp theo là chương trình Quỹ sữa vươn cao Việt Nam, là năm thứ 16 công ty thực hiện và số lượng sữa cho trẻ em sử dụng là trên 42 triệu hộp", ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Tài chính, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết.

"Traphaco cùng bà con nông dân phát triển vùng trồng, với cam kết thu mua dược liệu sạch, chất lượng cao thông qua hợp đồng ký kết hàng năm, có vùng trồng atiso cho sản phẩm boganic ở Sa Pa, tạo ra sinh kế bền vững cho bà con dân tộc vùng cao", bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc, Traphaco, cho hay.

Có thể thấy, các doanh nghiệp đang biến các cam kết về ESG thành hành động cụ thể. Nhưng để làm được việc này cần đi liền với đổi mới và áp dụng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp phải mua sắm máy móc, thiết bị mới theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng nguyên liệu sạch, rồi sẵn sàng bỏ các khoản đầu tư rất lớn để có các nguồn nguyên liệu sạch… Tài chính đang là 1 vấn đề rất lớn trong quá trình chuyển đổi chị Thu Hương.

Doanh nghiệp thực hành tiêu chuẩn ESG để thu hút dòng vốn xanh

Để thực hành ESG đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, nhưng các doanh nghiệp cần nhìn nhận việc tuân theo các yếu tố môi trường, xã hội không phải là gánh nặng về chi phí, mà cần coi đó là khoản đầu tư, đem lại lợi ích dài hạn và giúp tiếp cận nguồn vốn xanh lãi suất thấp.

"Khoảng 82% người trẻ quan tâm đến các sản phẩm về môi trường, chứng tỏ nhận thức của người tiêu dùng nâng cao, đòi hỏi các thương hiệu phải đáp ứng sự quan tâm của họ về môi trường, xã hội, con người", bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông đối ngoại và Phát triển bền vững Unilever Việt Nam, đánh giá.

"Chúng tôi làm việc với khách hàng để đưa ra các câu hỏi về ứng dụng ESG. Dựa trên bộ tiêu chí riêng của mình, chúng tôi sẽ xác định doanh nghiệp xanh để cho vay ưu đãi. Hiện chúng tôi áp dụng chuẩn mực toàn cầu. Tôi hy vọng rằng, khi có một khung pháp lý chính thức của Việt Nam, chúng tôi có thể đối chiếu và triển khai, có thể chuẩn hóa cùng nhau khi cấp vốn dự án xanh", bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết.

Doanh nghiệp thực hành ESG, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 2.

ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. (Ảnh: Forbes)

Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững

Xu hướng chuyển đổi hệ thống nói chung khiến các nhà đầu tư, các ngân hàng, định chế tài chính, quỹ đầu tư tư nhân chuyển dịch chiến lược đầu tư trong hiện tại và tương lai thông qua lăng kính ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.

"UNDP đang hỗ trợ Việt Nam tính toán ngân sách dành cho Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Nguồn ngân sách này không chỉ bao gồm ngân sách nhà nước mà cần phải huy động từ các nguồn hỗn hợp như trái phiếu xanh và tài chính xanh và cả nguồn tài chính của khu vực tư nhân", bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cho hay.

Như vậy thách thức về tài chính không phải là vấn đề đáng ngại, nhưng vấn đề hiện nay nằm ở việc nhiều doanh nghiệp lúng túng khi chưa có tiêu chí rõ ràng về xanh cho từng lĩnh vực, dẫn đến khi doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, hay chọn nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng gặp lúng túng, khó xác định đơn vị nào đủ xanh để áp dụng.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo về danh mục xanh nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 đang lấy ý kiến hoàn thiện. Nếu được thông qua vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn.

"Dự thảo hiện nay đề ra 2 hình thức: Một là sẽ có 1 tổ chức trung gian xác nhận dự án đủ điều kiện cấp trái phiếu xanh, cũng như huy động tín dụng xanh; Hai là Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan xác nhận dự án đó. Sau khi xác nhận, dự án sẽ được triển khai, cấp tín dụng xanh và trái phiếu xanh", bà Trần Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Thích ứng biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

"Yêu cầu của kinh tế tuần hoàn hiện nay trong Kế hoạch hành động quốc gia tập trung vào 3 trụ cột: Trụ cột thứ nhất là theo dòng thải, tập trung ưu tiên là rác thải nhựa; Trụ cột thứ hai là theo ngành sản phẩm, ưu tiên đến nhựa sử dụng trong sản xuất lương thực thực phẩm; Cuối cùng là cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) tại thỏa thuận Paris 2015 liên quan đến năng lượng, giao thông vận tải, như chuyển từ xe xăng sang xe điện", PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài Nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin.

Chuyển dịch xanh - trách nhiệm người tiêu dùng

Quá trình thực hành ESG là nỗ lực của các doanh nghiệp, Chính phủ, của các tổ chức quốc tế và cũng là xu hướng tất yếu của cả thế giới, bên cạnh đó còn là nỗ lực của chính mỗi chúng ta, những người tiêu dùng có trách nhiệm cần có hành động hướng đến tiêu dùng xanh.

"Nếu mình nghĩ đến việc phát triển và tiêu dùng bền vững thì những sản phẩm tái chế có thể sẽ dùng được lâu dài và mình có thể tái đi tái lại sử dụng được", chị Phạm Hoài Thương, TP Hà Nội, chia sẻ.

"Hiện tại ở nhà em cũng tái chế khá là nhiều. Em và bà giữ lại rất nhiều vận dụng nhỏ như là hộp giấy, hộp nhựa và những hộp đựng đồ nữa", em Nguyễn Như Ngọc, TP Hà Nội, cho biết.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Ngay từ những hành động nhỏ như giữ lại vỏ hộp sữa sau mỗi lần sử dụng để tái chế, tạo thêm vòng đời mới cho sản phẩm, nhiều người tiêu dùng như chị Thương và Ngọc cũng sẽ đóng góp vào mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

ESG - trọng tâm để các công ty đầu tư trong 5 năm tới ESG - trọng tâm để các công ty đầu tư trong 5 năm tới

VTV.vn - Báo cáo vừa được Bloomberg công bố cho biết, ESG vẫn là trọng tâm để các công ty, tập đoàn đầu tư vào trong vòng 5 năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước