Đơn đặt hàng khổng lồ gây áp lực lên các hãng sản xuất máy bay

Đức Cường-Thứ năm, ngày 22/06/2023 05:54 GMT+7

VTV.vn - Những đơn hàng khổng lồ đang mang đến áp lực lớn cho các hãng sản xuất máy bay để đáp ứng tiến độ giao hàng.

Nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus vừa thông báo đạt thỏa thuận máy bay lên tới 500 chiếc A320 cho hãng hàng không IndiGo của Ấn Độ trong ngày khai mạc Triển lãm hàng không Paris 2023 tại Pháp.

Đây là đơn đặt hàng máy bay thân hẹp lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới và dự kiến sẽ được Airbus bàn giao từ 2030 - 2035. Những đơn hàng khổng lồ như của IndiGo đang là minh chứng đà phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không thời gian qua, nhưng đồng thời, chúng cũng mang đến áp lực lớn cho các hãng sản xuất máy bay để đáp ứng tiến độ giao hàng.

Bầu không khí nhộn nhịp đang diễn ra tại Triển lãm hàng không Paris vừa được mở cửa trở lại sau khi phải hủy bỏ năm 2021 vì đại dịch.

Cùng với việc ký kết đơn hàng cung cấp số lượng kỷ lục 500 máy bay cho hãng hàng không Indigo của Ấn Độ, Airbus còn ký hợp đồng với công ty Sonaca của Bỉ để đặt mua số lượng rất lớn các bộ cánh tà và cánh trước.

Đơn đặt hàng khổng lồ gây áp lực lên các hãng sản xuất máy bay - Ảnh 1.

Máy bay của hãng hàng không Ấn Độ IndiGo. (Ảnh: Reuters)

Diễn biến này cho thấy cuộc chạy đua của nhà sản xuất máy bay để có thể đáp ứng được các đơn hàng đang đến ngày càng nhiều. Các chuyên gia đều nhìn nhận tình trạng chậm trễ trong đáp ứng các đơn đặt hàng sẽ kéo dài trong tối thiểu 2 - 3 năm tới.

"Ngành công nghiệp hàng không đã trở về mức của năm 2019, ngoại trừ khu vực châu Á có lẽ cần thêm vài tháng nữa. Vấn đề hiện nay là làm thế nào đáp ứng được các đơn hàng, làm thế nào sản xuất kịp máy bay. Số đơn hàng lớn hơn khả năng sản xuất rất nhiều. Tôi hy vọng tình trạng này sẽ được giải quyết trong vòng 2 năm tới", ông Gilles Fournier, Giám đốc điều hành Triển lãm Hàng không Paris 2023, cho biết.

"Vào lúc này đơn hàng không còn là vấn đề nữa. Khó khăn nằm ở năng lực sản xuất. Chính sự thiếu hụt năng lực sản xuất đã kiềm chế tốc độ mở rộng của ngành hàng không. Chúng tôi đang cố gắng khôi phục năng lực sản xuất như trước đại dịch và trong một vài lĩnh vực còn phải tăng cao hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chúng tôi nghĩ rằng tình hình sẽ được cải thiện vào năm 2027, thậm chí lâu hơn", ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch mảng Marketing và Bán hàng, nhà sản xuất máy bay Boeing, cho hay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng đà tăng trưởng với tốc độ cao như hiện nay của ngành hàng không chủ yếu là sự phục hồi sau giai đoạn bị kìm nén bởi đại dịch COVID-19 và khó có thể kéo dài.

"Trước đây chúng ta đã từng thấy ngành hàng không tăng trưởng 5 - 6% mỗi năm, thậm chí còn cao hơn. Nhưng với tình hình khó khăn kinh tế hiện nay, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống còn hơn 3% mỗi năm. Sẽ vẫn có rất nhiều đơn hàng mua máy bay, nhưng sau một thời gian, số lượng đơn hàng sẽ bắt đầu giảm xuống", ông Richard Aboulafia, nhà phân tích hàng không quốc tế, nhận định.

Dự báo của ông Richard Aboulafia cho thấy viễn cảnh tăng trưởng chậm lại của ngành hàng không, nhưng trước mắt, các công ty sản xuất máy bay như Airbus và Boeing vẫn sẽ phải đầu tư mạnh tay để nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng từ các hãng hàng không trên khắp thế giới.

Máy bay 2 động cơ - Triển vọng cho hàng không “xanh” Máy bay 2 động cơ - Triển vọng cho hàng không “xanh”

VTV.vn - Chiếc máy bay 2 động cơ, do công ty Voltaero sản xuất, là một phần trong nỗ lực giảm ô nhiễm của ngành hàng không khi thế giới đang cố gắng giảm thiểu biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước