Giá xăng dầu chịu áp lực tăng mạnh

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 08/02/2022 19:55 GMT+7

Giá xăng dầu trong nước có thể tăng mạnh vào phiên điều chỉnh giá ngày 11/2. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

VTV.vn - Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong nước có thể chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá xăng dầu thế giới.

Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Đơn cử, vào đầu tháng 2, có thời điểm, giá dầu Brent đã lên đến mốc 93,7 USD/thùng, còn giá dầu WTI vọt lên ngưỡng 93,17 USD. Đây là mức giá cao nhất của giá dầu Brent và giá dầu WTI kể từ tháng 10/2014.

Hiện dầu Brent và dầu WTI thế giới đã có tuần tăng thứ 7 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10/2021. Giá xăng dầu trong nước cũng đã có 3 lần tăng liên tiếp.

Cục Quản lý giá cho biết, hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới, từ đó gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất, khi vào phiên điều chỉnh giá ngày 11/2 sẽ có nhiều áp lực tăng giá mạnh.

Ngoài ra, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam, đứng trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động do khó khăn tài chính cũng được dự báo sẽ tác động rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Theo nhận định của một chuyên gia xăng dầu, nếu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải tạm dừng hoạt động, nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp, thương nhân ở toàn miền Bắc sẽ rất khó khăn, nhất là ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Với dự báo thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5 - 10%/năm, diễn biến của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ khiến việc nhập khẩu phải tăng lên, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu cũng tăng theo.

Nhận định chung về giá cả thị trường, Cục Quản lý giá cho rằng, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt.

Các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Tuy nhiên chuỗi cung ứng đứt gãy trong đại dịch cùng với lao động thiếu hụt cũng đẩy áp lực lên chi phí sản xuất...

Trước đó, trong kỳ điều hành ngày 21/1, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 436 đồng/lít, không cao hơn 23.595 đồng/lít. Giá xăng RON95-III tăng 484 đồng/lít, không cao hơn 24.360 đồng/lít.

Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.903 đồng/lít, tăng 664 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.793 đồng/lít, tăng 655 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.993 đồng/kg, tăng 631 đồng/kg.

Giá xăng lại tăng Giá xăng lại tăng

VTV.vn - Giá xăng đã có lần điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp, và là lần tăng thứ 2 trong năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước