Gỡ “điểm nghẽn” pháp lý cho bất động sản du lịch

Minh Hằng-Thứ tư, ngày 17/11/2021 11:03 GMT+7

VTV.vn - Theo nhận định của các chuyên gia, khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến bất động sản du lịch vẫn chưa thống nhất và phù hợp với thị trường.

Căn hộ du lịch condotel, homestay, hay du lịch trang trại farmstay đã xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh về các loại hình bất động sản du lịch này vẫn chưa đầy đủ, thống nhất, đang gây ra lúng túng cho công tác quản lý nhà nước.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" cho phân khúc này tại hội thảo: "Chính sách, pháp luật cho bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam" diễn ra ngày 16/11.

Các chuyên gia cho rằng, khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến bất động sản du lịch vẫn chưa thống nhất và phù hợp với thị trường. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là việc cấp giấy chứng nhận sở hữu cho các căn hộ du lịch condotel. Trong khi, ở một số nước trong khu vực, loại hình này đã có hành lang pháp lý rõ ràng.

"Chúng tôi có cổng thông tin về các dự án bất động sản du lịch. Như vây, ai muốn mua hay đầu tư có thể vào công thông tin này để tìm hiểu thông tin", TS. Sopon Pornchokchai, Chủ tịch Hội định giá bất động sản Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn bất động sản Thái Lan, cho biết.

Gỡ “điểm nghẽn” pháp lý cho bất động sản du lịch - Ảnh 1.

Từ cuối năm 2019, sau những tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng trong phân khúc căn hộ condotel, bức tranh của thị trường bất động sản du lịch đã bớt sôi động. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Thực tế, quy định về bất động sản du lịch nằm rải rác ở những văn bản pháp luật khác nhau, nhưng nội dung không đồng bộ, chi tiết.

"Trong luật đất đai 2013, chúng ta mới chỉ quy định chung chung là đất xây dựng bất động sản nông nghiệp là đất phi nông nghiệp, nhưng chúng ta không có quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các sản phẩm bất động sản du lịch ở trên đất. Luật kinh doanh nhà ở 2015 mới chỉ có quy định chung về phân loại nhà ở thương mại, nhà ở xã hội", PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội, cho hay.

"Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần phải sửa những luật liên quan. Đó là sửa những quy định về luật đất đai, xác định rõ cái loại hình bất động sản này, xác định rõ các loại hình bất động sản này được phép tham gia kinh doanh như thế nào, điều kiện ra sao và khi kinh doanh loại hình bất động sản này có gì khác so với kinh doanh bất động sản nhà ở. Một điểm nữa đó là quản lý loại hình bất động sản như thế nào chúng ta cũng cần làm rõ để tránh có trường hợp tranh chấp", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, nhận định.

Theo thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ cuối năm 2019, sau những tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng trong phân khúc căn hộ condotel, bức tranh của thị trường bất động sản du lịch đã bớt sôi động, tâm lý chờ đợi tính pháp lý rõ ràng đang bao trùm thị trường. Vì vậy, việc tháo gỡ các điểm nghẽn chưa rõ ràng về pháp lý đang là vấn đề lớn đặt ra lúc này.

Sửa Luật Kinh doanh bất động sản có giúp tăng 'khuôn phép' cho thị trường? Sửa Luật Kinh doanh bất động sản có giúp tăng "khuôn phép" cho thị trường?

VTV.vn - Bộ Xây dựng đề xuất, các tổ chức cá nhân muốn hoạt động môi giới nhà đất phải lập doanh nghiệp, văn phòng và phải có chứng chỉ hành nghề...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước