Hàng hóa xuất nhập khẩu tăng sức cạnh tranh nhờ các giải pháp logistic

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 04/03/2023 06:20 GMT+7

VTV.vn - Nỗ lực tìm ra các giải pháp giảm giá cước, cải thiện các khâu trong chuỗi logistíc để góp phần giảm giá hàng hoá sẽ là mục tiêu của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Thêm cơ hội cho hàng hoá liên vận quốc tế

Trong bối cảnh những tháng đầu năm, nhiều loại hàng hoá xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu sụt giảm bởi những khó khăn từ các thị trường quốc tế. Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, nhiều lĩnh vực vận tải đã có các giải pháp để tạo thuận lợi và tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu.

Mới đây, ga Kép (Bắc Giang) đã chính thức trở thành ga hàng hoá liên vận quốc tế. Nhiều loại hàng hoá xuất nhập khẩu như hàng điện tử, công nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng, quặng thô... tại các khu công nghiệp của Bắc Giang và các tỉnh lân cận sẽ được vận chuyển đi và đến Trung Quốc, Nga, châu Âu thuận lợi hơn; đồng thời, góp phần giảm tải cho 2 ga đầu mối là Yên Viên (Hà Nội) và Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Hàng hóa xuất nhập khẩu tăng sức cạnh tranh nhờ các giải pháp logistic - Ảnh 1.

Nhiều lĩnh vực vận tải đã có các giải pháp để tạo thuận lợi và tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu.

Bà Vũ Th Hoài - Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Thái, Lạng Sơn cho biết: "Việc vận tải hàng hoá chuyển sang tuyến đường sắt và di chuyển sang Trung Quốc sẽ được nhanh hơn, tiếp nhận được số lượng nhiều hơn".

"Chúng tôi đang kết hợp với Tổng công ty đường sắt cùng đầu tư vào ga Kép để trở thành trung tâm hàng hoá tiêu chuẩn cao, từ đó mở rộng quy mô vận chuyển hàng hoá đến cả khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam sẽ là cửa ngõ", ông Trương Tồn Vỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý chuỗi cung ứng Yuetong, Trung Quốc thông tin.

Tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá liên vận quốc tế

Ngay sau khi chính thức trở thành ga hàng hoá liên vận quốc tế, đã có chuyến tàu hàng đầu tiên xuất phát từ ga Kép đi Bằng Tường (Trung Quốc). Dự kiến, với tần suất từ 1,5 - 2 đôi tàu mỗi ngày, mô hình ga đường sắt liên vận nằm sâu trong nội địa được kỳ vọng sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho nhiều loại hàng hoá của Việt Nam.

Ga Kép (Bắc Giang) trở thành ga liên vận quốc tế với đầy đủ các hoạt động xếp dỡ, lập tàu và đặc biệt là hải quan, xem như đã hình thành một cửa khẩu xuất nhập khẩu nằm sâu trong nội địa.

"Chúng tôi cam kết sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận lợi theo quy định pháp luật để đáp ứng tiến độ giao nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo yêu cầu sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn", ông Dương Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh cho hay.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tăng sức cạnh tranh nhờ các giải pháp logistic - Ảnh 2.

Mô hình ga đường sắt liên vận nằm sâu trong nội địa được kỳ vọng sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho nhiều loại hàng hoá của Việt Nam.

Việc bổ sung ga Kép thành liên vận quốc tế trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn sẽ giúp giảm thời gian thông quan, giảm chi phí logistics, góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất, nhập khẩu.

Bãi hàng rộng gần 30.000 m2 đã được đầu tư cùng với các thiết bị xếp dỡ cũng như hệ thống kho bãi và văn phòng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đây sẽ trở thành một trong những đầu mối làm hàng hóa liên vận quốc tế lớn nhất của khu vực phía Bắc, đóng góp doanh thu lớn cho ngành đường sắt.

Ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nói: "Vừa mở rộng bãi hàng ở đây nhưng cũng phải có kết nối với khu hậu cần logistics để trung chuyển được hàng hoá thuận lợi hơn, thông thương hơn. Hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nguồn thu của địa phương chắc chắn tăng lên và phát triển kinh tế xã hội sẽ kéo theo. Bên cạnh đó, Tổng công ty đường sắt cũng được hưởng lợi từ hoạt động này".

Sau ga Kép, giai đoạn tiếp theo, nhiều khu ga khác tại Nghệ Anh, Bình Dương, Bình Định trên cả nước cũng sẽ tiếp tục được nâng cấp theo mô hình liên vận quốc tế nằm sâu trong nội địa.

"Ủy ban quản lý vốn Nhà nước phối hợp cùng Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo cho Tổng công ty Đường sắt xây dựng nhiều các cụm kho vận, liên vận đường sắt, có nhiều các trung tâm logistics kết nối với liên vận quốc tế để nâng cao năng lực vận tải hàng hoá, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.

Đường sắt có lợi thế hơn đường biển về tốc độ, ưu việt hơn hàng không về chi phí. Chính vì vậy, những năm gần đây, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 6%/năm. Ngành đường sắt đặt mục tiêu đến năm 2030 sản lượng hàng vận chuyển liên vận quốc tế đạt 4 - 5 triệu tấn/năm, gấp 4 đến 5 lần so với hiện nay.

Thu hút hàng hoá vận tải đường thủy

Không chỉ đường sắt mà phương thức vận tải bằng đường thuỷ, dù đã có lợi thế chi phí thấp nhưng vẫn tiếp tục có những giải pháp để giảm giá cước, nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá.

Từ đầu năm nay, TP Hải Phòng đã chính thức giảm 50% phí hạ tầng cảng biển cho các phương tiện vận tải thủy. Công ty Tân Cảng Sài Gòn tính toán, giá cước đến khách hàng sẽ giảm được ngay từ 125.000 - 200.000/contaner.

"Lượng vận tải bằng đường sà lan với lượng hàng hóa đủ lớn và để cho các tuyến sà lan hoạt động hiệu quả thì chúng ta có thể cắt giảm được tới 50% chi phí nếu so với vận tải bằng đường bộ", ông Trần Văn Nghĩa - Giám đốc Chi nhánh Tân Cảng miền Bắc, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thông tin.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tăng sức cạnh tranh nhờ các giải pháp logistic - Ảnh 3.

Nếu được giảm phí hạ tầng cảng biển thì giá cước đường thuỷ có thể giảm thêm 10 - 15%.

Lãnh đạo Cục Đường thuỷ Việt Nam phân tích, với 1 contaner từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến khu vực Hải Phòng, cước đi đường thuỷ hiện chỉ thấp hơn khoảng 10% so với đi đường bộ. Nếu được giảm phí hạ tầng cảng biển thì giá cước đường thuỷ có thể giảm thêm 10 - 15%.

Ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ GTVT cho hay: "Tổng chi phí bằng đường thủy nội địa sẽ thấp hơn so với đường bộ khoảng 20 - 25%. Đây là yếu tố để các chủ hàng quan tâm hơn đến vận chuyển bằng phương thức đường thủy nội địa".

Cũng theo đại diện Cục đường thuỷ nội địa, trong 100 container hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng chỉ có chưa đến 2 container đi bằng đường thủy. Một phần nguyên nhân chính bởi giá cước chưa thực sự cạnh tranh. Do vậy, việc giảm phí sẽ tạo điều kiện để tháo gỡ nút thắt này.

"Hải Phòng đã cởi mở, tháo gỡ cho vận tải thủy thì con số này sắp tới sẽ tăng lên. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được cỡ khoảng 10% trong từ nay đến năm 2030", ông Bùi Thiên Thu nói.

Trước Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng chính sách giảm phí tương tự cho các phương tiện thuỷ. Bên cạnh sự hỗ trợ của các địa phương, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nhằm thu hút nhiều hơn hàng hoá xuống đường thuỷ, phương thức vận tải vẫn được cho có lợi thế cả về kinh tế và môi trường.

Chi phí vận tải của Việt Nam hiện đang cao hơn khoảng 15 - 20% so với các quốc gia khác trên thế giới. Đây cũng là một trong những rào cản khiến hàng hoá Việt Nam giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do vậy, việc nỗ lực tìm ra các giải pháp giảm giá cước, cải thiện các khâu trong chuỗi logistíc để góp phần giảm giá hàng hoá sẽ là mục tiêu của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước