Huyện Văn Yên (Yên Bái): Bước đột phá mới về phát triển kinh tế - xã hội

PV-Thứ ba, ngày 13/02/2018 12:06 GMT+7

VTV.vn - Trong năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Văn Yên tăng trưởng và phát triển ổn định, một số ngành, lĩnh vực đạt và vượt kế hoạch năm.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội, ngay từ đầu năm, UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo thực hiện 29 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tăng trưởng và phát triển ổn định, một số ngành, lĩnh vực đạt và vượt kế hoạch năm. Đây là động lực để huyện Văn Yên phát triển trong những năm tiếp theo.

2017 là năm thứ hai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh những thuận lợi, huyện Văn Yên cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, sự điều hành tích cực của UBND huyện, sự giám sát có hiệu quả của HĐND huyện, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, cùng với sự chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời, có hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban xây dựng Đảng và các sở, ngành của tỉnh, nhất là sự quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong huyện, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện nhà đạt được những kết quả tích cực.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Diện mạo nông thôn tiếp tục có những thay đổi tích cực, nông nghiệp tiếp tục phát triển và từng bước cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đã có những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Văn Yên đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá bằng các giải pháp như: Thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng, góp phần nâng cao thu nhập từ phát triển kinh tế hộ gia đình.

Với tổng diện tích gieo trồng lúa nước hàng năm trên 6.000 ha, diện tích ngô trên 6.000 ha, trong đó ngô trên đất hai vụ lúa trên 1.000 ha, ổn định 5.000 sắn cao sản… đã đưa tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn huyện năm 2017 lên trên 52.835 tấn, tăng gần 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016.

Trong phát triển chăn nuôi, huyện đã chỉ đạo các địa phương chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi gia súc gia cầm, triển khai có hiệu quả dự án chăn nuôi trâu bò tập trung theo phương thức bán công nghiệp. Đặc biệt, phong trào trồng rừng kinh tế đã phát triển ở hầu hết các địa phương trong huyện. Toàn huyện hiện có gần 49.000 ha rừng trồng, trong đó có trên 40.000 ha quế, trong đó diện tích trồng rừng mới và trồng lại sau khai thác từ đầu năm đến nay là 2.763 ha, đạt 105,5% so với kế hoạch năm, tăng độ che phủ rừng đạt 67,5%.

Đặc biệt, trong phát triển kinh tế địa phương, huyện chú trọng nâng tầm thương hiệu cây quế. Để phát triển vùng nguyên liệu quế một cách bền vững, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế, huyện Văn Yên đã đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen có quý.

Thực hiện đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện Văn Yên đã lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân trên 30 cm, chiều cao 15 m trở lên ở các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gen.

Ngoài ra, huyện Văn Yên còn bảo tồn 14 ha quế ở các xã: Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho kế hoạch trồng quế hàng năm và làm tiền đề phục vụ du lịch.

Từ tháng 1/2010, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Văn Yên trở thành địa phương sở hữu giống quế được coi là tốt nhất hiện nay trên thị trường.

Từ khi được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây quế, giá trị các sản phẩm từ cây quế của Văn Yên trên thị trường trong và ngoài nước đã được nâng cao, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên. Hiện nay, các sản phẩm từ cây quế của Văn Yên đã được xuất khẩu rộng rãi sang các thị trường: Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước châu Âu.

Đến nay, trên địa bàn huyện Văn Yên đã có 12 nhà máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, 9 hợp tác xã chế biến gỗ quế và hàng nghìn hộ thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế và hàng nghìn hộ đã xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hay trở nên giàu có nhờ loại cây trồng này.

Xác định "phát triển kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt", do đó, đi đôi với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Yên luôn tập trung lãnh đạo; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trọng tâm là triển khai, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước