Kinh tế tư nhân đứng trước nhiều cơ hội tạo ra giá trị mới để bứt phá

Tố Uyên-Thứ ba, ngày 23/04/2024 11:46 GMT+7

Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024

VTV.vn- Kinh tế tư nhân nước ta đứng trước nhiều thách thức nhưng không ít cơ hội để tạo ra những giá trị mới, đưa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 do Viện Quản trị Chính sách tổ chức tại Quảng Ninh mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nước ta hiện tại có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp và khoảng 5 triệu hộ gia đình. Nghị quyết 41 đã xác định rõ vị trí, vai trò của doanh nghiệp, của doanh nhân trong thời đại mới, đồng thời nối tiếp Nghị quyết 09 với nội dung quan trọng là phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá.

Theo ông Vinh, sự kiện này chứa đựng nhiều sự trăn trở, ý tưởng và các chiến lược phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Trong đó, VCCI với chức năng đại diện cho lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, 61 năm vừa qua đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, qua rất nhiều thế hệ doanh nhân, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội, và môi trường kinh doanh Việt Nam.

Kinh tế tư nhân đứng trước nhiều cơ hội tạo ra giá trị mới để bứt phá - Ảnh 1.

Đông đảo chuyên gia kinh tế tham dự, họp bàn tại Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024

Ở khía cạnh khác, dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông Đàm Nhân Đức – Kinh tế trưởng MB Bank cho rằng, kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 52% vào tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, khi so sánh với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khối doanh nghiệp tư nhân còn nhiều việc phải làm để tương xứng với tiềm năng của mình.

Do đó, ông Đàm Nhân Đức cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy nâng tầm doanh nghiệp trong khu vực và thế giới bằng việc nhà nước và doanh nghiệp cùng song hành. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Phải công khai thể hiện quan điểm rõ về những lĩnh vực ưu tiên, danh sách doanh nghiệp trong Sách Trắng. Phải đảm bảo một môi trường pháp lý bảo vệ chắc chắn quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc mổ sẻ những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt, các chuyên gia kinh tế cũng phân tích về những cơ hội để khu vực doanh nghiệp này tạo ra những giá trị mới, qua đó đưa kinh tế Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

"Hiện bối cảnh thế giới đang ngày càng chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ cùng nhiều xu thế mới đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi khu vực kinh tế tư nhân phải không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức nhằm phát triển nhanh và bền vững", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. Đồng thời chia sẻ thêm, trong tình hình mới, trong bối cảnh mới thì chúng ta không chỉ chú trọng về phát triển kinh tế mà còn phải để ý hơn nữa, hài hoà hơn nữa về sự tiến bộ xã hội. Có những giá trị về môi trường, thì kinh tế Việt Nam mới bền vững và có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, một vấn đề vô cùng quan trong được đưa ra thảo luận tại hội nghị là giải pháp về tài chính cho kinh tế tư nhân. Gợi ý về nguồn vốn và giải pháp đa dạng nguồn vốn cho khu vực kinh tế này, ông Lưu Trung Thái, cố vấn lĩnh vực tài chính trong Chuỗi chương trình Chiến lược phát triển Việt Nam, cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp."Cần kiện toàn hành lang pháp lý với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng dẫn triển khai các công cụ vốn chủ khác để doanh nghiệp có nhiều không gian với nguồn vốn chủ như quyền chọn cổ tức, cổ tức không có quyền biểu quyết, hay chính sách tái đầu tư cổ tức để các doanh nghiệp có thể hài hòa lợi ích cho cổ đông và giữ lại phần vốn phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh", ông Thái nhấn mạnh.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa khoa học và doanh nhân nhằm thúc đẩy thành lập một mạng lưới chuyên gia và doanh nhân tham gia xây dựng các chính sách lớn về ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững... Được biết, hiện Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đang triển khai nhiều chương trình mang tính định hướng phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực và đào tạo thực tiễn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Đồng thời, liên kết mạng lưới khoa học và doanh nhân, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nhân, cung cấp cơ sở dữ liệu thực tiễn cho cộng đồng chuyên gia, khoa học nghiên cứu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước