Nâng cao vai trò trọng tài thương mại tại Việt Nam

Diệu Trang-Thứ hai, ngày 29/04/2013 16:00 GMT+7

Trọng tài thương mại - một hình thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, nhanh chóng, bí mật, được thế giới ưa chuộng... dù đã xuất hiện ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ nhưng tại sao vẫn chưa hấp dẫn được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam? Và làm thế nào để nâng cao sức mạnh cho hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam vẫn còn là một câu hỏi khó...

Trọng tài thương mại đã xuất hiện ở Việt Nam nửa thế kỷ nay kể từ khi có Hội đồng Trọng tài Ngoại thương năm 1963, sau này sáp nhập với Hội đồng Trọng tài Hàng Hải để thành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ngày nay. 50 năm của hoạt động trọng tài thương mại và 20 năm Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhưng phương thức xét xử tranh chấp thương mại bằng trọng tài cho đến giờ vẫn còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn: chỉ 1% trong tổng số các vụ tranh chấp thương mại. Vậy đâu là nguyên nhân khiến hình thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, nhanh chóng, bí mật, được thế giới ưa chuộng... lại chưa hấp dẫn được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam? Và còn một câu hỏi quan trọng, là làm thế nào để nâng cao sức mạnh cho hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam...

Trọng tài thương mại - đồng nghĩa với: có thể thương lượng. Các bên theo kiện có thể chọn lựa, thay đổi trọng tài viên xét xử, có thể thỏa thuận với nhau thông qua trọng tài để có một kết quả hợp lý, thậm chí thỏa mãn được các bên.

Có thể chính vì những ưu điểm này mà sau hàng loạt những vụ kiện và bị kiện cả trong và ngoài nước, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đang tiến hành xây dựng mẫu hợp đồng kinh tế cho các thành viên Hiệp hội, trong đó điều khoản giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại đã được đưa vào như một điều khoản có tính bắt buộc.

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: “Giải quyết các vụ việc tranh chấp qua tòa án thì rất lâu và luật pháp của từng nước cũng khác nhau. Thế nhưng, hoạt động của trọng tài thương mại quốc tế có nội dung giống nhau, có quy chuẩn trong toàn cầu...”.

‘ Tại VN, phán quyết của trọng tài thương mại có thể bị Tòa án bác bỏ. Ảnh minh họa

Có thể nói, việc đưa điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vào hợp đồng kinh tế là một bước đi thức thời và phù hợp với xu hướng quốc tế.

Luật sư Frederick R. Burke - Trọng tài viên VIAC, Công ty Luật Baker & Mac Kenzie nói: “Thực tế ở Mỹ, việc xét xử ở tòa sẽ mất thời gian và rất tốn kém. Thế nên, phương thức trọng tài ngày càng được lựa chọn nhiều hơn. Đáng nói là không chỉ trong các hợp đồng về thương mại mà ngay cả các hợp đồng tiêu dùng, ngày càng có nhiều cá nhân đưa điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vào”.

Nhưng ở Việt Nam, “trọng tài thương mại” vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu của các DN trong nước và nước ngoài khi có tranh chấp. Ngoài nguyên nhân chủ quan về trình độ trọng tài, chất lượng xét xử, có một nguyên nhân khách quan: Phán quyết của trọng tài thương mại có thể bị hủy bởi tòa án.

Theo ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trọng tài muốn hoạt động được suôn sẻ thì một điều rất quan trọng là phải có sự hỗ trợ của phía các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là của tòa án và sau đó là sự hỗ trợ của các cơ quan thi hành án... Các bên có thể khiếu nại ra tòa án để hủy quyết định của trọng tài. Đây chính là vấn đề bất lợi lớn đặt ra gần đây.

Điểm hạn chế này có thể sẽ được giải quyết trong thời gian tới, khi hoạt động trọng tài thương mại được hậu thuẫn bởi một loạt các cơ chế chính sách mới đi kèm với cam kết mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng.

Ông Tưởng Huy Lượng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: “Khi trọng tài có các yêu cầu về phía tòa án, chúng tôi sẽ yêu cầu các tòa án, các thẩm phán theo điều 7 của Luật trọng tài phải tiến hành một cách khẩn trương. Đồng thời, khi có kháng cáo phải tiến hành ngay để vụ việc có thể đưa ra giải quyết sớm”.

Xét đến cùng, Trọng tài hay Tòa án chỉ là hai phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau, tùy trường hợp mà doanh nghiệp lựa chọn phương thức phù hợp. Tuy nhiên, để trọng tài thương mại Việt Nam thực sự phát huy được sức mạnh của mình, trở thành một ngành dịch vụ xét xử bên cạnh tòa án, giảm tải cho hoạt động tòa án, góp phần làm minh bạch môi trường pháp lý thì cần có sự hậu thuẫn tích cực hơn nữa từ tòa án và các cơ quan chức năng khác.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước