Nga bị loại ra khỏi SWIFT, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Thùy Linh (t/h)-Thứ hai, ngày 28/02/2022 20:54 GMT+7

Ảnh: Reuters.

VTV.vn - Việc Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT có thể khiến các giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế từ Việt Nam sang Nga phần nào bị ảnh hưởng.

Ngày 26/2, Mỹ và các quốc gia đồng minh đã quyết định loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nhằm đáp trả chiến dịch của nước này tại Ukraine. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế thì các quốc gia là đối tác có giao thương với Nga (trong đó có Việt Nam) sẽ chịu tác động nhất định.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp Nga, sẽ phải lựa chọn phương án thanh toán khác.

"Sau khi bị loại, các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp Nga sẽ phải lựa chọn phương án thanh toán khác. Đó là chưa kể, giá xăng dầu, khí đốt cũng vì quyết định này sẽ một lần nữa bị đẩy giá lên cao", một chuyên gia tài chính tại Việt Nam cho hay.

Theo thống kế của Hải quan Nga, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong giai đoạn từ tháng 1-11/2021 giữa Việt Nam và Nga đạt 6,3 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 4,5 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có nguồn gốc thực vật Việt Nam xuất khẩu sang Nga đạt 282 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng cà phê của Việt Nam đạt 153 triệu USD, tăng trưởng 20%; các loại quả, hạt xuất khẩu đạt 75,5 triệu USD, tăng khoảng 38%. Trong số này mặt hàng có tăng trưởng tốt trong thời gian gần đây là mặt hàng xoài sấy.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế được xử lý chủ yếu qua Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Trong đó, việc xử lý qua hệ thống SWIFT là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác. Như vậy, việc Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT có thể khiến các giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế từ Việt Nam sang Nga bị ảnh hưởng phần nào.

Song, trong hoạt động thanh toán quốc tế của các ngân hàng thương mại, các phương tiện truyền tin được sử dụng còn bao gồm: thư tín và telex. 

Trước SWIFT, Telex là phương tiện xác nhận message khả dụng duy nhất để chuyển tiền quốc tế. Telex lại không hiệu quả vì tốc độ xử lý thấp, rủi ro về bảo mật nên thường dẫn đến sai sót. Bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn sử dụng thư tín trong những trường hợp đặc biệt như: không sử dụng Telex hoặc chưa được phép tham gia hệ thống SWIFT.

Thực tế, vài năm gần đây, Nga đã chuẩn bị cho khả năng bị loại khỏi SWIFT và lập ra hệ thống thanh toán riêng có tên SPFS sau khi bị phương Tây trừng phạt năm 2014.

SWIFT - "mạng nơ ron" cho thị trường tài chính quốc tế

Nhiều chuyên gia nhận định, việc bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT chính là một đòn rất mạnh vào kinh tế của Nga, tuy nhiên cũng tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho chính các công ty và ngân hàng của phương Tây.

Hệ thống SWIFT giống như các mạng nơron cho thị trường tài chính quốc tế, cho phép các giao dịch liên ngân hàng diễn ra an toàn hơn và nhanh chóng. SWIFT được thành lập năm 1973 thay thế điện tín và hiện được hơn 11 nghìn tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và thực hiện các giao dịch thanh toán an toàn.

Chỉ riêng trong năm 2020, đã có khoảng 38 triệu giao dịch được thực hiện mỗi ngày thông qua nền tảng SWIFT, trị giá lên đến hàng nghìn tỷ USD. Vì hiện không có kênh nào thay thế được chấp nhận trên toàn cầu, SWIFT có vai trò thiết yếu với tài chính thế giới. Động thái loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT được các chuyên gia ví như kích hoạt "vũ khí hạt nhân" tài chính nhằm vào Nga.

"SWIFT là một vũ khí hạt nhân tài chính, cho phép chúng ta chặn quyền truy cập của các tổ chức tài chính Nga với bất kỳ tổ chức tài chính nào trên thế giới", ông Bruno Le Maire - Bộ trưởng Tài chính Pháp cho hay.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho hay: "Chúng tôi cam kết rằng những ngân hàng Nga được xác định sẽ bị cắt đứt quyền truy cập vào hệ thống SWIFT. Mục tiêu về cơ bản là đóng băng tài sản và ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế, và làm tổn hại đến khả năng vận hành toàn cầu của họ".

Tuy nhiên, việc loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT cũng sẽ mang lại rắc rối cho các doanh thuộc thuộc các nước đồng minh, khi họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển tiền vào nước này.

Đặc biệt, Nga là một quốc gia xuất khẩu dầu khí và Đức là một trong những khách hàng nhập khẩu nhiều nhất. Vì vậy, khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, nước Đức và ngay cả Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại lớn.

Phương Tây loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu Phương Tây loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu

VTV.vn - Đây là loạt biện pháp trừng phạt mạnh nhất nhằm vào Nga, kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước