Tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhiều nông dân đã thay đổi cách canh tác, dần tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay vì phân vô cơ. Nhà vườn cũng đã quản lý sâu hại tốt từ việc bao trái bằng túi nhựa từ lúc trái nhỏ để hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Vợ chồng ông Chu (nông dân tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) có trên 1ha táo giống Fuji. Ngoài sử dụng bao túi sinh học, nhà ông còn dùng màng phủ nông nghiệp để khỏi phải xịt thuốc diệt cỏ và hạn chế sâu bệnh phá hại. Vì vậy, táo của vườn nhà ông đều được thương lái mua hết để bán đi xa và xuất khẩu. Mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ táo bán được giá cao hơn trồng theo cách bình thường.
"Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài rất thích vào tham quan vườn táo nhà tôi để xem trồng thế nào. Chúng tôi sử dụng phân hữu cơ nhiều, hạn chế thấp nhất thuốc hóa học để có trái táo an toàn", ông Chu nói.
Trung Quốc là nước xuất khẩu táo số 1 thế giới nhưng giá trị xuất thường thấp hơn nhiều so với các loại táo cùng loại của Mỹ, Nhật, New Zealand… Trung Quốc cũng là nước chiếm hơn 1/4 sản lượng táo đỏ fuji xuất khẩu của thế giới.
Dù đã cải thiện nhiều về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng hiện nay người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại táo Trung Quốc không an toàn về thuốc bảo vệ thực vật trong bao trái lúc nhỏ và hóa chất bảo quản táo để chuyên chở đi xa. Điều này cũng khiến cho giá trị của loại trái cây chủ lực này chưa cao.
Tuy nhiên, nhờ nhà vườn ngày càng ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu táo, canh tác táo sạch, giá bán của các thương hiệu táo ở Yên Đài, Sơn Đông cao gấp nhiều lần so với táo không thương hiệu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!