Ngoài đường lậu còn "đường" gì?

Anh Minh-Thứ sáu, ngày 09/03/2018 14:00 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ đường lậu từ Thái Lan vào Việt Nam mà đã có gần trăm ngàn tấn đường lỏng đang tràn vào Việt Nam mỗi năm.

Với nhiều hình thức buôn lậu và gian lận thương mại tinh vi, đường lậu có thể đưa về mọi ngõ ngách để bán cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất công nghiệp. Ước tính của Hiệp hội mia đường Việt Nam (VSSA) cho biết, có đến 30% tổng lượng đường tiêu thụ tại Việt Nam, tương đương 400.000 tấn/năm, là đường lậu.

Đường lậu làm tồn kho gia tăng

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến hết tháng 1/2018, các nhà máy đường trong cả nước còn tồn kho hơn 300.000 tấn đường. Trong khi lượng tồn kho đường lớn và giá trong nước không thể cạnh tranh được với đường trong khu vực thì lượng đường lậu vào Việt Nam ngày một gia tăng, do giá đường Thái Lan thấp hơn Việt Nam. Theo số liệu được Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham khảo từ Tổ chức Đường quốc tế (ISO), hàng năm có khoảng 400.000 – 500.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam với giá thấp hơn so với trong nước 1.000 – 2.000 đồng/kg. Như vậy, khi Việt Nam thực thi cam kết trong ATIGA về gỡ bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường mía, kèm theo đó là việc duy trì thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặt biệt ở mức thấp 5%, số đường này và nhiều triệu tấn đường khác, sẽ có thể chính thức chuyển từ đường buôn lậu sang đường chính ngạch. Điều này khiến doanh nghiệp đường trong nước đứng trước nguy cơ bị "thua" ngay trên sân nhà.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA nhận định, tình hình nhập lậu từ Thái Lan diễn biến ngày càng phức tạp mới là nguyên nhân chính của vấn đề này. Theo ông Doanh, hiện nay các doanh nghiệp đường đang gặp khó khăn. Bởi trước đây, hoạt động nhập lậu chỉ tập trung ở biên giới các tỉnh phía Nam nhưng giờ đã lan rộng ra cả miền Bắc. Đường nhập lậu từ Thái Lan ồ ạt đổ qua biên giới bằng nhiều hình thức tinh vi, địa bàn rộng khắp và giá bán rẻ hơn vài ngàn đồng so với đường trong nước khiến lượng đường tồn kho tăng cao kỷ lục. Trong khi đó, hiện giá bán buôn đường nhập lậu của Thái Lan thấp hơn đường sản xuất trong nước khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. Công tác chống gian lận thương mại tuy có nhiều cố gắng nhưng không cải thiện được tình hình, thậm chí nạn buôn lậu mặt hàng này ngày càng gia tăng.

Ngoài đường lậu còn đường gì? - Ảnh 1.

Đường lỏng Trung Quốc và Hàn Quốc tràn vào Việt Nam

Không chỉ đường lậu từ Thái Lan vào Việt Nam mà đã có gần trăm ngàn tấn đường lỏng mà nhiều người còn gọi là đường mới hay đường "lạ" chiết xuất từ bắp được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với thuế suất nhập khẩu 0% đang tràn vào Việt Nam mỗi năm. Theo VSSA, gần trăm ngàn tấn đường lỏng (HFCS - High-Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng) từ các quốc gia trên nhập vào Việt Nam khiến ngành mía đường trong nước càng lao đao. So với giá đường trắng trong nước được chế biến từ mía đang bán lẻ trên thị trường 15.000-16.000 đồng/kg thì đường lỏng Trung Quốc rẻ hơn 3.000-4.000 đồng/kg. Hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặt biệt đối với mặt hàng đường trong hạn ngạch là 5% từ các nước ASEAN và 25% đối với đường thô; 40% đối với đường trắng nếu nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN. Thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan là 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng. Thế nhưng, đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN lại đang được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặt biệt là 0% theo các hiệp định thương mại tư do đã ký kết mà Việt Nam và các quốc gia này là thành viên . Trong khi đó, đáng lẽ đường lỏng nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế suất nhập khẩu thông thường là 22,5% và thuế suất MFN là 15%. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chỉ qui định áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đường cho 2 sản phẩm đường thô và đường trắng làm từ mía và củ cải đường (Mã HS code: 1701). Các chủng loại đường khác, kể cả đường lactoza, mantoza, glucoza và fructoza … (có mã HS code từ 1702, 1703, 1704) không áp dụng hạn ngạch khi nhập khẩu, bao gồm cả đường HFCS.

Giới sản xuất, kinh doanh đường còn cho biết, với các lợi thế nêu trên, đường lỏng có giá bán rẻ hơn so với đường trong nước. Loại đường lỏng này được các công ty sử dụng nhưng lại không cơ quan nào kiểm soát, giá rẻ, độ ngọt cao và cạnh tranh thiếu công bằng với đường nội địa. Do vậy cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cũng thừa nhận, việc tồn kho số lượng đường lớn, cộng với giá bán giảm và khó tiêu thụ khiến cho họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là sức ép tiêu thụ từ nay đến thời điểm bắt đầu vào niên vụ ép 2017-2018 (dự kiến cuối tháng 9). Nếu không giải quyết tốt vướng mắc này thì các nhà máy đường mía sẽ tiếp tục gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí là ngành sản xuất đường mía trong nước sẽ bị giết chết.

HFCS là chất làm ngọt có nguồn gốc từ tinh bột bắp có dạng lỏng vì không thể kết tinh được sản xuất chủ yếu ở các nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Hiện nay tại Việt Nam, sản phẩm này chủ yếu được nhập từ Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Tại Việt Nam chỉ nhập đường HFCS là chủ yếu, do không có mùi, vị ngọt. thích hợp với ngành nước ngọt và bánh kẹo. VN không có nhập các chủng loại đường khác đường từ cây thích (maple) hoặc đường lỏng có pha thêm hương liệu hoặc đường Carmen. Riêng đường Lactoza có đơn vị dược phẩm nhập nhưng số lượng rất nhỏ, chỉ để làm thuốc. Việt Nam hiện chỉ qui định áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đường cho 2 sản phẩm đường thô và đường trắng làm từ mía và củ cải đường (Mã HS code: 1701). Các chủng loại đường khác, kể cả đường lactoza, mantoza, glucoza và fructoza … (có mã HS code từ 1702, 1703, 1704) không áp dụng hạn ngạch khi nhập khẩu.

Đường HFCS không có hợp đồng kỳ hạn giao dịch trên sàn như đường mía. Tuy nhiên, do đường này làm từ bắp nên có thể tham khảo giá bắp trên thị trường thế giới. Hiện có 2 quốc gia sản xuất bắp lớn nhất thế giới đó là Mỹ và Brazil. Do độ ngọt của đường HFCS gấp 1,1 lần so với đường mía nên nếu qui về độ ngọt như đường mía thì giá đường HFCS chỉ tương đương 15.575 đồng/kg (chưa VAT) . Trước đây, do đường HFCS có giá bán về Việt Nam từ 900 – 1000USD/MT nên nếu cộng thêm thuế nhập khẩu thì không hiệu quả. Hiện nay, do sản lượng bắp có số lượng tăng đột biến do công nghệ biến đổi gen nên giá bắp ngày càng rẻ. Dẫn đến, giá thành đường HFCS khá hấp dẫn cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước