Nhà đầu tư nước ngoài: Thận trọng nhưng lạc quan dài hạn

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 02/06/2023 12:01 GMT+7

VTV.vn - Trong tháng 5, lượng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 100 triệu USD, nhưng tính chung từ đầu năm, lượng tiền vẫn vào ròng thị trường là 10 triệu USD.

Chỉ số chứng khoán ngày 1/6 tiếp tục điệp khúc "ngược dòng vào phiên chiều". Sau ít giờ thử thách niềm tin nhà đầu tư, VN-Index nhanh chóng chuyển trạng thái từ vùng giá đỏ sang sắc xanh. Dù mức tăng của chỉ số chính VN-Index chỉ khoảng 3 điểm, nhưng thực tế sàn HOSE có quá nửa số cổ phiếu tăng giá, trong đó nhiều mã tăng 3% trở lên.

Trong đó đáng chú ý là các đại diện cổ phiếu bất động sản. QCG của Công ty CP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai đã bước sang phiên thứ 5 tăng trần liên tiếp. QCG vừa công bố thông tin về phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). VIAC buộc Sunny Island hoàn trả cho Quốc Cường Gia Lai toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng dự án Phước Kiển.

Ngoài ra, TDH cũng đang có chuỗi 6 phiên tăng giá liên tiếp, cổ phiếu tăng 50% chỉ sau 1 tuần. Trước đà tăng vọt của cổ phiếu TDH, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu doanh nghiệp giải trình.

Trong khi đó, cổ phiếu lớn tiếp tục chịu áp lực bán của khối ngoại. Thị trường tăng, nhưng nhà đầu tư quốc tế ngày 1/6 vẫn miệt mài bán ròng 120 tỷ đồng. Khối ngoại đã có 3 phiên bán ròng liên tiếp trên sàn HOSE, sau khi đã có 1 tuần liên tục bán ròng trước đó. Tuy nhiên, khối lượng và giá trị bán ròng có xu hướng giảm dần.

Nhà đầu tư nước ngoài: Thận trọng nhưng lạc quan dài hạn - Ảnh 1.

Triển vọng lợi nhuận bứt phá được dự báo sẽ là yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại trở lại thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital đã hơn 20 năm gắn bó với thị trường Việt Nam, nếu cuối năm 2022, 2 quỹ lớn nhất của công ty duy trì lượng tiền mặt lần lượt là 24,4% và 16%, tỷ lệ tiền mặt hiện chỉ còn 11,8% và 3,6%. Việc giải ngân được đẩy mạnh ngay từ quý I.

"Năm nay so với năm ngoái, chúng tôi đã lạc quan hơn bởi vì chúng tôi thấy rất nhiều khó khăn mà nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán phải trải qua trong năm ngoái đã được gỡ bỏ hay những bước tiến nhất định. Do đó chúng tôi đã giải ngân vào thị trường. Tỷ lệ tiền mặt năm nay đã thấp hơn so với năm ngoái, tỷ lệ cổ phiếu tăng lên", bà Nguyễn Hoài Thu,Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu - Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cho biết.

Thị trường Việt Nam có sự khác biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài khi có công ty quản lý quỹ đang tăng tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục, nhưng cũng có những công ty đang tái cơ cấu danh mục, có những nhà đầu tư lại lựa chọn tạm rút tiền ra khỏi thị trường.

Riêng tháng 5, lượng rút ròng của khối ngoại khoảng 100 triệu USD, nhưng tính chung từ đầu năm, lượng tiền vẫn vào ròng thị trường là 10 triệu USD.

"Các quỹ tổ chức đang cơ cấu lại danh mục, bằng chứng là giá trị bán ròng tập trung vào 2 nhóm cổ phiếu là ngân hàng và hóa chất. Năm 2023, dự kiến 2 nhóm cổ phiếu này cũng có mức tăng trưởng khá kém. Ngoài ra động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện yếu tố về chiến lược đầu tư này, đó là phần lớn họ tập trung mua cổ phiếu bất động sản", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho hay.

"Hiện có những dòng tiền từ châu Âu, châu Á, một số nhà đầu tư khác cũng đang rút ra khỏi Việt Nam. Vì hiện tại chúng ta đang ở trong môi trường lãi suất toàn cầu tăng lên, thì sẽ có doanh nghiệp gặp những vấn đề riêng, bắt buộc họ phải rút ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên có những doanh nghiệp nhìn thấy đó là cơ hội và họ đầu tư vào", ông Nguyễn Quang Hưng, chuyên gia Kinh tế, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, thông tin.

Triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo Bloomberg là khoảng 13% và 21% trong năm sau. Còn VinaCapital dự báo khoảng 7% trong năm nay, nhưng có thể lên tới 27% trong năm sau.

Triển vọng lợi nhuận bứt phá được dự báo sẽ là yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại trở lại thị trường.

Các định chế tài chính và nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam? Các định chế tài chính và nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam?

VTV.vn - Trong khi nền kinh tế còn nhiều thách thức, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn khi GDP tăng trưởng 3,32% trong quý I/2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước