NHNN Việt Nam đã chỉ đạo xử lý được trên 500 tỷ đồng nợ xấu

Trung Kiên - Lê Tuấn - Chí Thành-Thứ hai, ngày 27/07/2020 21:37 GMT+7

VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo xử lý được trên 500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 2/3 là do các tổ chức tín dụng tự xử lý.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại và Quyết định 1058 về Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020", đã có kết quả tốt, tạo được niềm tin đối với quốc tế và làm Đảng, Nhà nước, nhân dân yên tâm hơn. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu diễn ra trong chiều nay (27/7).

Trên 500 tỷ đồng nợ xấu được xử lý

Các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá, sau 3 năm thực hiện đồng bộ Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058, đã đạt được kết quả quan trọng. Nhờ Nghị quyết 42 cho phép thí điểm áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án, hay tổ chức tổ chức tín dụng được mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản và các giải pháp khác chưa có tiền lệ, nên từ năm 2017 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo xử lý được trên 500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 2/3 là do các tổ chức tín dụng tự xử lý.

Trung bình mỗi tháng các ngân hàng xử lý được hơn 7.000 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi so với trước khi thực hiện Nghị quyết Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Xu hướng khách hàng tự trả nợ xấu tăng cao hơn, lên đến 40% so với trước đây, còn việc kiểm soát chặt chẽ nợ xấu và tài sản đảm bảo cũng được tăng cường.

NHNN Việt Nam đã chỉ đạo xử lý được trên 500 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 1.

Chiều nay (27/7), Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã tổ chức họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nhờ đó, nợ nội bảng của các tổ chức tín dụng chỉ còn 1,63%, so với 2,46% của năm 2016, thấp hơn mục tiêu đề ra là 2%, nếu kể cả nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thì chỉ còn 4,43% so với trước đây là gần 11%.

Bên cạnh đó, kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ đã được tăng cường, tình trạng nhà đầu tư hoặc nhóm cổ đông lớn đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng đã được kiểm soát. Các ngân hàng thương mại cũng đã đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành, thu về hơn 2.200 tỷ đồng.

Vừa xử lý các khoản nợ xấu cũ vừa hạn chế thấp nhất nợ xấu mới tăng thêm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên của Ban chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đánh giá, dịch bệnh COVID-19 vừa qua là phép thử lớn nhất đối với sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, cũng như mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng đối với các cú sốc bên ngoài.

Hệ thống tín dụng được bảo đảm an toàn đã đóng góp vào mức tăng trưởng dương của Việt Nam so với tăng trưởng âm của nhiều nước. Đồng thời đặt nền móng vững chắc cho hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Thủ tướng khẳng định, tái cơ cấu hệ thống tín dụng và xử lý nợ xấu là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được Quốc hội ủng hộ và Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng quyết tâm thực hiện nghiêm túc nên khung khổ pháp lý đã cơ bản hoàn thiện hơn, hệ thống tín dụng của Việt Nam đã tạo được niềm tin đối với quốc tế.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 như hiện nay, một hệ thống tín dụng có sức chống chịu tốt và an toàn sẽ là nền tảng và củng cố niềm tin để phục hồi kinh tế - xã hội.

NHNN Việt Nam đã chỉ đạo xử lý được trên 500 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Từ kết quả này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng đã đề ra, đồng thời dự thảo báo cáo để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Thủ tướng cũng giao các bộ khẩn trương nghiên cứu và đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo các Nghị định liên quan để tăng vốn cho một số ngân hàng nhà nước vì đây là 1 trong 3 mục tiêu chưa đạt được.

Mặc dù, hệ thống các ngân hàng thương mại đang chịu nhiều tác động bởi đại dịch COVID-19, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng hệ thống các tổ chức tín dụng nỗ lực vượt qua khó khăn để vừa tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, xử lý các khoản nợ xấu cũ vừa hạn chế thấp nhất nợ xấu mới tăng thêm, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu và tiết kiệm chi phí để hỗ trợ tốt cho phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước