Phát triển nhà máy thông minh tại khu vực miền Trung

PV-Thứ năm, ngày 14/09/2023 15:18 GMT+7

VTV.vn - Sau khu vực phía Bắc và phía Nam, dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục được nối dài tới miền Trung với điểm đến đầu tiên là TP Đà Nẵng.

Ngày 12/9 đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại TP Đà Nẵng và Khu vực miền Trung.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng năm 2023 trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023 của Bộ Công Thương.

Tiếp nối thành công tại khu vực phía Bắc và phía Nam, dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục được nối dài tới khu vực miền Trung với điểm đến đầu tiên là thành phố Đà Nẵng nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng thông qua việc tư vấn thiết lập nhà máy thông minh và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, từ đó giúp các công ty Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo biên bản ghi nhớ, các hoạt động được tiến hành trong quá trình hợp tác bao gồm: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách các doanh nghiệp địa phương tiềm năng cho dự án; Thực hiện tổ chức các chuyến làm việc và đánh giá sơ bộ tại nhà máy; Lựa chọn doanh nghiệp và nhân lực phù hợp tham gia Dự án thông qua việc khảo sát và phỏng vấn; Thực hiện các khóa đào tạo và tư vấn thiết lập nhà máy thông minh.

Trong đó, chương trình tư vấn thiết lập nhà máy thông minh sẽ kéo dài trong 12 tuần bao gồm đào tạo lý thuyết và tư vấn trực tiếp tại mỗi doanh nghiệp. Trong thời gian này, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

Phát triển nhà máy thông minh tại khu vực miền Trung - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay: "Một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ".

Theo ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số đã đưa sự hợp tác và phát triển của các quốc gia trên thế giới lên một cấp độ hoàn toàn mới. "Trên cơ sở các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về kinh tế thương mại, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách tham gia vào nền kinh tế thế giới thông qua mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trong đó sản xuất, cung ứng hàng hóa từ công nghiệp hỗ trợ là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Phát triển nhà máy thông minh tại khu vực miền Trung - Ảnh 2.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng phát biểu.

Trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố", ông Lê Trung Chinh nói.

Trước khi triển khai tại khu vực miền Trung, từ năm 2022, dự án phát triển nhà máy thông minh đã được triển khai tại 5 tỉnh thành khu vực phía Bắc và 4 tỉnh thành khu vực phía Nam, góp phần hỗ trợ đào tạo 87 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam và tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 38 doanh nghiệp trên cả nước. Sau quá trình hỗ trợ, các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đổi số hướng tới phát triển nhà máy thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước