Tác động kinh tế từ việc Bắc Kinh, Thượng Hải hạn chế lao động nhập cư

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 06/02/2018 06:35 GMT+7

VTV.vn - Trong nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển bền vững, giới chức 2 thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải đã mạnh tay trong việc hạn chế lao động nhập cư.

Các số liệu mới công bố cho thấy, dân số tại Bắc Kinh và Thượng Hải - 2 thành phố hàng đầu của Trung Quốc đã sụt giảm thời gian gần đây, sau nhiều năm liên tục gia tăng. Đây được coi là kết quả của các biện pháp mạnh tay mà giới chức tại các thành phố này áp dụng, nhằm hạn chế dòng người lao động nhập cư ngoại tỉnh.

Những tòa nhà xây dựng không phép được coi là nơi ở lý tưởng cho các lao động nhập cư, bởi giá thuê rẻ. Thế nhưng, chúng thường không thể mang đến sự an toàn cho những người sống bên trong. Hồi cuối năm 2017, 19 người đã thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn tại khu vực có nhiều lao động ngoại tỉnh sinh sống ở thủ đô Bắc Kinh.

Để hạn chế tình trạng này, chính quyền các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải đã mạnh tay phá bỏ những tòa nhà tồn tại trái luật.

Bên cạnh đó, những khu chợ kinh doanh các loại sản phẩm như quần áo, thực phẩm đã phải chuyển hoạt động ra ngoài thủ đô Bắc Kinh. 2.000 nhà sản xuất nhỏ, cũng bị buộc phải ngừng hoạt động hoặc đóng cửa. Các cửa hàng nhỏ trên các tuyến phố - vốn được coi là nét đặc trưng của thủ đô Bắc Kinh, cũng không ngoại lệ. Đáng chú ý, đây chủ yếu là kế sinh nhai của các lao động nhập cư.

Tuy nhiên, theo giới chức Trung Quốc, đây là điều buộc phải tiến hành, bởi làn sóng người nhập cư ồ ạt tràn về các thành phố lớn trong nhiều năm qua, đã khiến quy mô dân số phình to, gây sức ép lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở, y tế, giáo dục, an sinh xã hội…

Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng việc giới hạn dân số tại Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển bền vững.

Bắc Kinh và Thượng Hải được coi là những đầu tàu quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, bởi mỗi thành phố này đều đóng góp khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Do đó, những sự thay đổi lớn diễn ra tại đây, đang nhận được rất nhiều sự chú ý.

Ổn định thị trường bất động sản

Tác động kinh tế rõ nét đầu tiên chính là những thay đổi trên thị trường nhà ở. Theo Nikkei Asia, giá căn hộ mới tại Bắc Kinh hay Thượng Hải giờ đã cao gấp 20 lần mức thu nhập trung bình hàng năm. Mức giá này, thậm chí còn đắt hơn cả Tokyo (Nhật Bản) ở thời kỳ đỉnh cao của bong bóng bất động sản, dù mật độ dân số tại Bắc Kinh, Thượng Hải là thấp hơn nhiều. Việc lượng người nhập cư vào các thành phố sụt giảm, sẽ hạ áp lực lên nguồn cung bất động sản, đưa giá nhà đất trở lại bình thường.

Làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, việc giảm mạnh số lượng người nhập cư, sẽ khiến Bắc Kinh và Thượng Hải phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế. Trong 5 năm tới, cả 2 thành phố này đều chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% - thấp hơn nhiều so với con số 7,1% của 5 năm trước đó. Nhiều chuyên gia nhận định, việc người dân đổ về các thành phố lớn sẽ góp phần thúc đẩy các sáng tạo công nghệ và cải thiện năng suất lao động, do đó, việc giới hạn dân số cũng đồng nghĩa với việc 2 thành phố này đang tự hạn chế cơ hội tăng trưởng của mình trong tương lai.

Cải thiện chất lượng tăng trưởng

Dù vậy, giới chức Trung Quốc kỳ vọng, sự sụt giảm tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, sẽ được bù đắp bởi sự phát triển bền vững hơn. Việc loại bỏ những ngành kinh tế lạc hậu, không còn phù hợp, và xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng ít nhân công sẽ góp phần tạo ra những động lực mới cho Bắc Kinh hay Thượng Hải, những đầu tàu của nền kinh tế số 2 thế giới.

Nghịch lý lao động nhập cư tại các nước vùng Vịnh Nghịch lý lao động nhập cư tại các nước vùng Vịnh

VTV.vn - Ở hầu hết các nước vùng Vịnh công dân đang phải chịu cảnh thất nghiệp nhưng nhiều việc làm lại phải đi thuê lao động nước ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước