Thanh toán di động: Chọn “đua nở” hay chọn “đối trọng”?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 13/11/2017 10:39 GMT+7

VTV.vn - Trước sự bùng nổ các ứng dụng thanh toán di động, tờ Thời báo kinh doanh thể hiện quan điểm băn khoăn, thanh toán di động nên chọn "đua nở" hay chọn "đối trọng"?

Hiện nay, không chỉ có sự hiện diện của những tên tuổi lớn như Samsung Pay, hay chưa chính thức như Alipay, hiện cả nước đã có 25 ứng dụng ví điện tử được cấp phép. Nhà kinh doanh sử dụng nhiều ứng dụng, buộc người dùng cũng phải tải đồng loạt nhiều ứng dụng khác nhau, đồng nghĩa phải nộp tiền vào nhiều ví điện tử khác nhau

Vì vậy, người tiêu dùng Việt ngày nay mỗi khi đi chợ online, không chỉ mang theo một chiếc ví như truyền thống, mà phải sở hữu nhiều chiếc ví điện tử cùng một lúc. Vậy, những nguy cơ tiềm ẩn nào có thể xảy ra?

Theo tờ Thời báo Kinh doanh, thứ nhất, sự thiếu chuẩn hóa về định dạng gây ra bất tiện khiến người tiêu dùng có thể tìm đến một ứng dụng đơn giản và tiện lợi hơn, đơn cử như Alipay của tỷ phú Jack Ma. Bởi nếu Apple Pay hay Android Pay đòi hỏi người bán hàng phải có thiết bị thanh toán hỗ trợ, thì AliPay chỉ cần điện thoại bạn đang dùng có khả năng chụp hình là đủ.

Thứ hai, sự lớn mạnh trong thanh toán điện tử phải đi kèm với uy tín, bảo mật và tiết kiệm. Tờ Thời báo Kinh doanh cũng trích dẫn lại câu nói của tỷ phú Jack Ma: "Chúng tôi quan tâm tới bảo mật còn hơn chính phủ. Với người dùng, bạn mất 1 USD, tôi đền 1 USD. Mất 1 triệu USD, tôi đền 1 triệu USD".

Cam kết trên của tỷ phú Jack Ma không chỉ để bảo vệ uy tín cho ứng dụng của mình, mà còn tạo niềm tin cho người sử dụng. Đây cũng là vấn đề hết sức quan trọng khi tờ Thời báo Kinh doanh cũng nhấn mạnh, nước ta chưa có cơ chế rõ ràng để bảo vệ người dùng khi có rủi ro xảy ra.

Các chuyên gia đã dự đoán, mã QR là phương thức thanh toán mới trong thời đại số. Tại Ấn Độ, người dân có thể đi chợ mua rau bằng mã QR khi Chính phủ nước này thực hiện tham vọng không dùng tiền mặt qua việc tài trợ dự án India QR. Hay đi siêu thị ảo mua sắm bằng mã QR code tại Hàn Quốc, khi quốc gia này cũng có mục tiêu xây dựng xã hội phi tiền mặt vào năm 2020.

Một số ví dụ nêu trên đã chỉ ra, việc mở rộng thanh toán di động để tạo lợi ích cho người dân là xu thế của tương lai và là điều hết sức cần thiết. Nhưng Việt Nam nên chọn bùng nổ ứng dụng này, hay đầu tư trọng tâm, có định hướng cho một vài doanh nghiệp để tạo đối trọng với các ứng dụng nước ngoài? Theo tờ Thời báo Kinh doanh, câu hỏi này, đáng tiếc chưa có ai trả lời, bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước.

Thanh toán di động tại Việt Nam: Người dùng bối rối vì quá nhiều! Thanh toán di động tại Việt Nam: Người dùng bối rối vì quá nhiều!

VTV.vn - "Bối rối" là từ được báo Đầu tư chọn trong tiêu đề bài báo sáng 8/11 khi đề cập tới câu chuyện thanh toán di động tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước