Nguyên nhân của sự bối rối không phải bởi thiếu mà ngược lại, Việt Nam đang và sẽ có quá nhiều ứng dụng thanh toán di động.
Có lẽ, cụm từ "thanh toán di động" chưa bao giờ được làm nóng như những ngày qua khi đồng hành với nó là sự xuất hiện của vị tỷ phú công nghệ Jack Ma trong chuyến thăm tới Việt Nam. Sau sự hồ hởi, tin tưởng về một tương lai đầy tiềm năng của việc thanh toán bằng di động, hạn chế sử dụng tiền mặt, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng thanh toán di động tại Việt Nam.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, khi Việt Nam cơ bản chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip, tới năm 2020, ngoài Samsung Pay, Ali pay, thị trường còn có thể có Apple Pay, Google Pay sẽ vào Việt Nam.
Ngoài các gã khổng lỗ này, thời gian qua, hàng loạt các ngân hàng, các công ty công nghệ tài chính fintech trong nước cũng đã rầm rộ tung ra các ví điện tử. Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 25 ví điện tử, với những cái tên như MoMo, Zalo Pay, AirPay, Vimo, Vnmart, Payoo, Moca... Ngoài ra, 12 ngân hàng cũng triển khai thanh toán bằng mã QR Code.
Tuy nhiên, Báo Đầu tư cho rằng, việc "trăm hoa đua nở" các ứng dụng thanh toán di động khiến VIệt Nam đang rơi vào tình trạng thị trường có quá nhiều ví điện tử khác nhau mà không thực sự có cái tên nào thống trị.
Người tiêu dùng không thể thanh toán tại các cửa hàng khác nhau cùng với một ứng dụng. Nói cách khác, nếu muốn thanh toán không cần ví hay thẻ, người dùng phải tải một lúc hàng loạt các ứng dụng khác nhau, nộp tiền vào nhiều ví điện tử khác nhau.
Bên cạnh đó, do mã QR cũng chưa được chuẩn hóa nên các cửa hàng muốn chấp nhận thanh toán bằng QR cũng phải tạo ra nhiều mã QR khác nhau cho 1 mặt hàng. Điều này gây phiền toán cho cả người mua và người bán.
Cũng về chủ đề này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn trích lời chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng tại một số quốc gia, các giải pháp thanh toán di động được dẫn dắt bởi một số doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường, như M-PESA tại Kenya, Alipay và Wechat Pay tại Trung Quốc. Việc này sẽ hạn chế sự phức tạp khi có quá nhiều giải pháp thanh toán. Vị chuyên gia này nhận định sự xuất hiện của nhiều giải pháp thanh toán di động là những trở ngại cho sự phát triển.
Việt Nam mới ở thời kỳ đầu của thanh toán di động. Sự xuất hiện nhộn nhịp của hàng loạt giải pháp thanh toán là điều dễ hiểu. Giải pháp nào sẽ bứt phá và dẫn dắt thị trường hiện vẫn là một ẩn số.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!