Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 09/05/2024 07:22 GMT+7

VTV.vn - Ngân sách nhà nước giảm khoảng 47.000 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng có thể tăng. Quan trọng nhất lúc này là doanh nghiệp cần được trợ lực, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp thêm 6 tháng. Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm nay. Đây là đề xuất của Chính phủ đối với Quốc hội để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 47.000 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng có thể tăng thêm. Tuy nhiên, quan trọng nhất lúc này là doanh nghiệp cần được trợ lực, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng nữa, thay vì kết thúc vào giữa năm nay như dự kiến.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023 đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng. Nếu tiếp tục được gia hạn thì những khoản nợ của doanh nghiệp, người đi vay sẽ tiếp tục được kéo giãn đến hết năm nay.

Tiếp tục giãn, hoãn nợ để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tiếp tục được giãn, hoãn nợ, phục hồi sản xuất kinh doanh

Doanh nghiệp xuất khẩu quế hồi bắt đầu có nhiều đơn hàng hơn trong năm nay, dự kiến sẽ tăng khoảng 20%. Do đó, họ đang cần lượng vốn lớn để duy trì sản xuất. Theo doanh nghiệp, với đà phục hồi kinh tế hiện nay, nếu được giãn, hoãn thời gian trả nợ sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính.

"Các tổ chức tín dụng cũng như Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, đấy là một cái tháo gỡ rất thiết thực", bà Lê Mai - Tổng Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh cho biết.

Khi được giãn hoãn nợ, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, mà còn giúp tăng cơ hội tiếp cận vốn. Bởi nếu bị chuyển sang nhóm nợ xấu, thì doanh nghiệp sẽ khó có thể vay thêm vốn cho sản xuất kinh doanh.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin: "Đây là một chính sách có thể nói rất trực tiếp, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp, cho cả ngân hàng trong vấn đề khi những khoản nợ về lãi về gốc đến hạn chưa trả được thì có thể kéo dài thêm một thời gian để giúp cho doanh nghiệp khắc phục được những khó khăn".

Giãn, hoãn nợ tức là khoản nợ vẫn còn đó, chỉ là chưa thu và doanh nghiệp vẫn có cơ hội được vay các khoản vay mới. Tuy nhiên, để đề phòng khả năng gia tăng nợ xấu, ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận. Vì với các khoản nợ được giãn, hoãn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.

Ông Trần Văn Luân - Phó Tổng Giám đốc PGBank cho biết: "Với việc các doanh nghiệp tiếp tục được cơ cấu nợ, giãn nợ mà qua đó sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bớt áp lực về mặt dòng tiền và sẽ đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh và phục hồi".

Cùng với chính sách giảm lãi suất, thì việc giãn, hoãn nợ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp tạo vòng quay sản xuất kinh doanh liên tục. Chậm trả nợ cũng sẽ giúp doanh nghiệp và người dân có thêm cơ hội vượt qua khó khăn.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm thuế kích thích được tổng cầu hay không thì nguồn thu có thể được tăng thêm hơn nữa.

"Người dân được hưởng lợi vậy tốt hơn chứ, còn dư ra tiền một ít đó thì mình có thể mua thêm. Nhà nước hỗ trợ vậy rất tốt cho bà con", chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông, Tập đoàn Central Retail Việt Nam thông tin: "Chúng tôi cũng rất mong mỏi Quốc hội thông qua để có thể giúp ổn định tâm lý người tiêu dùng góp phần thúc đẩy sức mua tăng trở lại và cũng góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế".

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Giá thành được giảm xuống và như vậy khi hàng hóa đưa ra có nhiều hơn, giá tốt hơn thì như vậy tăng được sức mua trên toàn thị trường. Chính sách này là một chính sách rất tối ưu vì đi trực tiếp vào đời sống của người dân, đi trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp".

Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB lưu ý các bộ ngành liên quan về: Dư địa chính sách tiền tệ, giảm lãi suất không còn nhiều. Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, thì chính sách tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm nay. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước. Từ đó, là trợ lực cho doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm từ 6-6,5% như quốc hội đã đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước