Vì sao cánh đồng lớn... chưa lớn?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/04/2021 20:47 GMT+7

VTV.vn - Trái với những kỳ vọng ban đầu, vài năm trở lại đây, các cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long lại đang nhỏ dần đi.

Cánh đồng lớn là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, được triển khai cách đây 10 năm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp lúa gạo dễ tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành hàng lúa gạo nước ta.

Nếu năm 2015, tổng diện tích sản xuất của mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL tăng lên đến 196.000 ha, thì trong vụ Đông Xuân 2017 - 2018, diện tích này giảm xuống còn 170.000 ha, chỉ chiếm 10% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn vùng và cũng chỉ chiếm 1/10 diện tích canh tác tham gia mô hình liên kết được xem là bền vững của ngành lúa gạo. Một trong những nguyên nhân được cho là doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Doanh nghiệp thiếu vốn khi xây dựng cánh đồng lớn

Vì sao cánh đồng lớn... chưa lớn? - Ảnh 1.

Việc phát triển cánh đồng lớn và các mô hình liên kết vẫn là con đường để hiện đại hóa ngành nông nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Theo tính toán của doanh nghiệp, đầu tư 1 ha lúa cánh đồng lớn cần đến 50 triệu đồng. Trong đó 25% chi phí đầu vụ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 75% còn lại sẽ thanh toán cho nông dân ngay khi thu hoạch. Chỉ riêng khoản đầu tư 5.000 ha đã lên đến 250 tỷ đồng/vụ chưa kể hệ thống sấy lúa, kho chứa…Do đó số doanh nghiệp tham gia đầy đủ cánh đồng lớn đếm chưa hết đầu ngón tay.

"Đó là nút cổ chai tại thời điểm thu hoạch. Chúng ta không có tiền để mua lúa cho nông dân một cách ổn định, do đó giá lên xuống thất thường; không có đủ hệ thống sấy một lượng lớn, khoảng 10 triệu tấn... và chúng ta chưa có nguồn tài chính ổn định để nông dân làm vụ sau", ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, An Giang, nhận định.

Những năm gần đây, ước tính mỗi vụ lúa ĐBSCL có từ 150.000 - 200.000 ha cánh đồng lớn trên tổng diện tích 1,6 triệu ha, chỉ chiếm khoảng 10%. Các vướng mắc như :diện tích manh mún, thói quen canh tác hay bẻ kèo…đã dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp thiếu vốn, theo Cục Trồng trọt, mô hình này vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn như vẫn xảy ra trường hợp doanh nghiệp thu mua không kịp, nông dân bán cho thương lái bên ngoài. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa có hành lang pháp lý phù hợp.

Khó nhân rộng mô hình cánh đồng lớn

Để mô hình cánh đồng lớn đạt hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận từ người nông dân, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương, các nhà khoa học đến các ngân hàng.

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL chỉ cần xây dựng được 1 triệu ha cánh đồng lớn trên tổng diện tích gieo trồng hơn 3 triệu ha và chỉ cần đầu tư cho 20 doanh nghiệp lớn với trung bình 50.000 ha/đơn vị. Lúc đó, ngành lúa gạo Việt Nam đã có thể chủ động trên thị trường từ dự trữ nguồn hàng đến điều tiết, quyết định giá cả.

Vì sao cánh đồng lớn... chưa lớn? - Ảnh 2.

Nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Dân trí)

"Tháo gỡ nút thắt sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với sự tích tụ ruộng đất ngày càng nhiều hơn để sản xuất lớn; tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, bà con nông dân để có chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo đủ sức cạnh tranh", chuyên gia kinh tế, TS. Trần Hữu Hiệp, cho biết.

Những năm gần đây, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho nông nghiệp đã được đưa ra. Tuy vậy nguồn vốn đầu tư trực tiếp đủ mạnh, tạo đột phá cho cánh đồng lớn lại là bài toán khó. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chủ yếu vẫn ở phần ngọn là bao tiêu thu mua lúa.

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng để ngành ngân hàng có đưa ra văn bản kịp thời, cấp tốc giúp các chi nhánh ở các tỉnh, thành tăng lượng vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho hay.

Cánh đồng lớn là mô hình liên kết bền vững theo chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo. Ước tính chỉ cần 1/3 diện tích gieo trồng thực hiện mô hình, giá trị sẽ tăng lên gấp 3 lần so với hiện nay. Do vậy càng chậm đầu tư phát triển, nhân rộng mô hình, ngành lúa gạo Việt Nam càng khó cạnh tranh và dần đánh mất cơ hội trên thương trường quốc tế.

Những lợi ích của cánh đồng lớn là không thể phủ nhận. Mấu chốt ở đây vẫn là làm sao giải quyết được hài hòa lợi ích trong mối liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Vì theo các chuyên gia, việc phát triển cánh đồng lớn và các mô hình liên kết vẫn là con đường để hiện đại hóa ngành nông nghiệp.

Ninh Thuận: Cánh đồng lớn cho cây đặc hữu vùng khô hạn Ninh Thuận: Cánh đồng lớn cho cây đặc hữu vùng khô hạn

VTV.vn - Hình thành cánh đồng lớn cho những cây trồng đặc hữu chính là cách để gắn sản xuất với thị trường, mở ra hướng đi cho nông nghiệp trên vùng đất khô hạn Ninh Thuận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước