Vừa phòng thủ COVID-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 02/07/2020 21:33 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phương châm hành động của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kép đó là vừa phòng thủ COVID-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm đã kết thúc chiều tối nay (2/7).

Trong phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định phương châm hành động của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kép đó là vừa phòng thủ COVID-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế để Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng từ 3-4% cho năm nay.

Trước đó, lãnh đạo của các Bộ và địa phương đã cam kết dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều nước, nhưng sẽ nỗ lực để thực hiện cao nhất các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng lúc này cả nước cần phát triển kinh tế với phương châm "chống suy thoái kinh tế như chống giặc", giống như tinh thần "chống dịch như chống giặc" đã được Thủ tướng khởi xướng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết hiện đã có gần một nửa các tỉnh, thành có thu nội địa đạt 50% dự toán cả năm và 20 địa phương có tăng trưởng thu. Tính chung, tổng thu ngân sách nhà nước trong nửa năm qua đã đạt 44% dự toán và giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Vừa phòng thủ COVID-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Nhất trí cao với các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội và thành viên Chính phủ cho rằng với mức tăng trưởng 1,81% là thành quả rất lớn trong khi cả thế giới vẫn còn rất khó khăn và tăng trưởng âm. Kết quả này, cũng được các định chế tài chính quốc tế đánh giá rất tích cực.

Cùng với đánh giá cao các thành viên Chính phủ đã có quyết tâm và giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các Bộ tập trung làm ngay những việc cấp bách để giải quyết 43 kiến nghị trực tiếp và 311 kiến nghị bằng văn bản của các địa phương được đưa ra tại hội nghị này, nhất là những kiến nghị về xây dựng thêm các khu công nghiệp để đón thời cơ tiếp nhận các dòng vốn đầu tư mới.

Trên tinh thần phải hành động, hành động nhanh hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành không được trùn bước, nếu khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp 3 để chung sức, đồng lòng góp phần xây dựng đất nước. Theo đó, các tỉnh thành cần thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn và đôn đốc đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải ưu tiên hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm thu nhập và đời sống của nhân dân. Kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng. Kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Do đó hệ thống ngân hàng phải bơm tín dụng ra nền kinh tế ít nhất là 10% so với hơn 3% từ đầu năm đến nay. Nợ công có thể nâng lên 2-3% nữa. Vì hiện nay nợ công mới chỉ ở mức 57% tổng sản phẩm trong nước. Nếu để đứt gãy nền kinh tế sẽ gây ra hậu quả rất lớn trong trung và dài hạn.

Vừa phòng thủ COVID-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP.

Thủ tướng cho biết, chính sách miễn một nửa thuế trước bạ đối với xe ô tô sản xuất trong nước vừa có hiệu lực được mấy ngày thì số lượng xe bán ra đã tăng từ 30-40%, do đó Thủ tướng yêu cầu các Bộ cần liên tục tổ chức các chương trình kích cầu, giảm giá nhưng phải bảo đảm chất lượng từ nay đến cuối năm, cũng như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để cho "cỗ xe tam mã" của nền kinh tế chạy nhanh hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chỉ còn 180 ngày nữa là hết năm 2020, vì thế, phải thực hiện ngay các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện miễn tất cả các loại phí và lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công và đầu tư theo các luật và Nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua.

Các Bộ cũng phải chủ động nguồn để triển khai các gói hỗ trợ, trong đó vay từ các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu Chính phủ. Thủ tướng cũng đồng ý để Bộ Tài chính đàm phán tiếp nhận hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế vào tài khoản ngân sách để lấy tiền cho kích hoạt kinh tế, nâng trần nợ công lên mức cần thiết. Vì hiện nay, gói tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ được 14.000 tỷ đồng, quá ít so với mức trung bình của các nước là 30% tổng sản phẩm trong nước.

Thủ tướng giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tạm dừng hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam xem xét miễn giảm 2% phí công đoàn cho các doanh nghiệp trong năm nay. Còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu xây dựng gói cho vay khẩn cấp để doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước