Đạo diễn Dương Lan Hương: Mộc mạc và chân thành

Thu Huệ-Thứ năm, ngày 13/02/2014 15:44 GMT+7

Ở Ban Văn nghệ Đài THVN, đạo diễn ca nhạc Dương Lan Hương còn được gọi với cái tên thân mật là “Hương Huế” bởi chị xuất thân từ một diễn viên hát ca kịch Huế. Có lẽ, đó là lý do chị luôn tìm thấy niềm đam mê với dòng nhạc dân gian, và đây cũng là bệ đỡ giúp cho chị tìm được thành công trong nghề đạo diễn âm nhạc.

Áp lực đến từ sự mới mẻ

Chị có thể chia sẻ về cơ duyên dẫn chị đến với nghề đạo diễn ca nhạc truyền hình?

ĐD Dương Lan Hương: Tôi sinh ra trong một gia đình đều làm nghệ thuật. Bố ngày xưa công tác tại Đoàn Dân ca Bình Trị Thiên ở Hà Nội. Do vậy, niềm đam mê và mơ ước trở thành một đạo diễn đã nhen nhóm từ nhỏ. Trước lúc học đạo diễn tôi đã là diễn viên kịch hát dân tộc của đoàn nghệ thuật ca kịch Huế. Bởi vậy, chất dân gian đã như ngấm trong máu mình rồi. Là ca sĩ hát dân ca nên khi làm đạo diễn mảng dân ca, tôi có lợi thế hơn! Và điều quan trọng là mình rất yêu thích các làn điệu dân ca. Theo mình quan niệm, làm dân ca hay làm các chương trình khác, nếu mình yêu, ấp ủ đam mê và tìm tòi thì nó sẽ không phụ lòng mình.

Chị gắn bó với mảng ca nhạc dân gian khi còn trẻ, mà phần đông khán giả của dòng nhạc này là những người lớn tuổi. Làm thế nào để chị có thể “cảm” được dòng nhạc này và chuyển thành những tác phẩm hay trên sóng truyền hình?

- Có lẽ cũng vì ông trời thấu hiểu lòng tôi nên đã ban tặng cho một người bạn tri âm tri kỷ, một người bạn già 89 tuổi, một tỳ nữ ở trong cung chúa Nguyễn của triều đình Huế còn sót lại! Tình cờ gặp trong một quán cơm bụi ở Hà Nội và rồi duyên kỳ ngộ đã đến để tôi có một tác phẩm đầu tay. Trước khi bà cụ mất, tôi đã hứa với người bạn vong niên sẽ thực hiện một bộ phim ca nhạc "Song Loan" về đề tài ca Huế do NSƯT Mộng Điệp và nghệ sĩ Thanh Tâm cùng các nghệ sĩ ở Huế tham gia.

Thực sự bộ phim này là một bước khởi đầu trong sự nghiệp đạo diễn của tôi. Tôi đã ấp ủ kịch bản này mất 5 năm, có những đêm ngồi kịch bản, viết xong chưa ưng ý lại xé đi. Ông xã tôi rất hiểu sự đau đáu về nghề của vợ nên rất chia sẻ. Cho đến Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 30 tại Cần Thơ năm 2010, bộ phim đã đạt được giải vàng. Qua bộ phim này, tôi nhận được cái giá của làm nghề. Nếu lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc và đam mê thì sẽ có một kết quả xứng đáng.

‘ Đạo diễn Dương Lan Hương và đoàn làm phim Song Loan tại Huế

Mới đây, DVD Ở hai đầu nỗi nhớ của Sao Mai Lê Mận được đánh giá cao từ ý tưởng cho đến những hình ảnh sử dụng trong DVD mà chị làm đạo diễn. Một đạo diễn ca nhạc truyền hình bắt tay sản xuất những album mang tính thị trường theo chị cần phải “bám” vào điều gì để tạo nên thương hiệu riêng”?

- Khi Lê Mận đặt lòng tin ở tôi, mời tôi sản xuất DVD đầu tay, bản thân tôi cũng rất áp lực, vì với dòng nhạc này thì đã có rất nhiều đạo diễn lớn làm và cũng đã rất thành công. Nhưng sau đó tôi nghĩ mình hãy làm cái gì là của mình, mộc mạc nhất và chân thành nhất thì nó sẽ ra một kết quả tốt. Quan niệm của tôi là dòng nhạc dân gian phải bật được chất mộc mạc và lãng mạn. Bối cảnh và con người phải hòa quyện vào nhau. Dù làm phát sóng hay làm album phát hành ở thị trường thì tôi đều cố gắng thể hiện hết những gì mình cảm nhận từ ca khúc. Chỉ khác một điều là làm thị trường thì các ca sĩ luôn phải đẹp! Nhưng theo tôi, làm đẹp không khó, mà khó hơn là ý tưởng mới mẻ trong cách thể hiện ca khúc.

Nửa công chức, nửa nghệ sĩ

So với những mảng âm nhạc khác, dân ca có vẻ bị “lép vế” có khi nào chị cảm thấy “tủi thân” khi lựa chọn mảng này?

- Trong thời đại bùng nổ về công nghệ hiện đại còn âm nhạc có xu hướng ngoại nhập, có rất ít đạo diễn thích làm mảng dân gian nên tôi cũng có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn. Tôi luôn nghĩ dân ca Việt Nam là một nét đặc trưng và độc đáo mà chúng ta không thể không khai thác. Do vậy tôi không thấy “tủi thân”, mà ngược lại tôi thấy tự hào, vì tôi yêu những làn điệu quê hương mình. Có lẽ “cái đẹp không phải ở má hồng thiêu nữ, mà ở trong mắt của kẻ si tình”. Và tôi là người si tinh trong cái đẹp của các làn điệu dân ca. Các bạn mới nghe một vài lần có thể thấy chán và không thích. Nhưng tôi khuyên, hãy nghe và nghiền ngẫm để tìm ra giá trị văn hóa của nó.

‘ Đạo diễn Dương Lan Hương

Nhiều người gọi những đạo diễn ca nhạc của Ban Văn nghệ là “nửa công chức, nửa nghệ sĩ” chị biết không?

- Tôi rất thích câu hỏi này vì người Văn nghệ có tố chất rất khác, nhìn vào có thể dễ nhận biết. Từ cách làm việc cho đến tác phong cũng hơi khác người một tý (cười). Đặc thù của Ban Văn nghệ là vừa sáng tạo nghệ thuật nhưng cũng vừa làm chính trị nên người nghệ sĩ có muốn bay bổng hay thể hiện gì thì cũng trong khuôn khổ và đường lối của cơ quan ngôn luận của Đảng. Nói vui là người Văn nghệ có thì thấy thừa, mà không có thì thấy thiếu. Nó có cái gì đó không diễn tả được. Nhưng Văn nghệ là vậy… rất dễ thương (cười).

Cảm ơn chị và chúc chị thành công!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước