Nhà báo Thanh Hường: Chơi Tết trên những nẻo đường

Lê Hoa-Thứ hai, ngày 27/01/2014 16:00 GMT+7

Nhà báo Thanh Hường và hai công chúa nhỏ

18 năm làm báo của nhà báo Thanh Hường đồng nghĩa với những chuyến đi. Chị may mắn là người đã đi hết 64 tỉnh thành trong nước và 25 nước trên thế giới. Đặc biệt, với đam mê du lịch, Tết chính là thời điểm cả gia đình chị… “xách balo lên và đi”. Quan điểm này có vẻ hơi lạ so với hầu hết các gia đình ở Việt Nam.  

Chắc tôi có nhiều hoa chân…

PV: Với tần suất trung bình 1 tháng 10 ngày xa cơ quan, gia đình, tính đến nay, bản đồ du lịch của chị chắc đã kín điểm đến?

Nhà báo Thanh Hường: 18 năm làm báo, tôi đã đi hầu khắp các tỉnh thành của đất nước gồm tất cả các điểm vùng sâu, vùng xa, thậm chí có những tỉnh thành tôi đã đi rất nhiều lần. Tính về các vùng biển đảo, chỉ còn đảo Cồn Cỏ là tôi chưa đi. Đấy là điểm cuối cùng trong thời gian tới chắc tôi cũng phải thu xếp lên kế hoạch. 2 lần đến quần đảo Trường sa đã để lại một kỉ niệm thật đẹp trong cuộc đời làm báo. Tôi cũng may mắn xem lại 3 cuốn hộ chiếu kín đặc kỉ niệm với 25 nước trên thế giới đã từng ghé thăm. Mỗi nơi là một nền văn hóa và mỗi chuyến đi chúng ta được học rất nhiều thứ không thể qua sách vở được.

Đến đâu tôi đều cố gắng kết hợp công việc với hành trình khám phá các địa danh du lịch, món ăn, nền văn hóa ẩm thực phong phú. Đặc biệt, tôi rất thích đến những khu chợ quê vì đấy là nơi hội tụ không chỉ các đặc sản mà cả văn hóa vùng miền. Tôi rất ấn tượng với những lần đi chợ nổi của Đồng bằng sông Cửu Long, miệt vườn của các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nếu như tinh ý, khán giả sẽ thấy trong chương trình Chúng tôi là chiến sỹ mà VTV3 đang sản xuất thì bao giờ những tuyến du lịch cũng là nơi mà chúng tôi đăng kí kế hoạch. Đôi khi, trong dịp nghỉ hè, sau những chuyến công tác dài ngày tốt đẹp, anh chị em có thể đưa gia đình thăm thú cảnh quan. Chúng tôi là chiến sỹ là chương trình đi công tác nhiều nhất của VTV3. Mỗi năm, chúng tôi đều cố gắng không quay trở lại địa bàn cũ mà hành quân tới vùng đất mới.

Sau 7 năm Chúng tôi là chiến sỹ lên sóng, đến nay có một điều rất lạ là anh chị em dường như không mệt mỏi mà trái lại họ đều đăng kí đi sản xuất các tỉnh vùng sâu vùng xa khó khăn nhất và nhiều khi các bạn còn cạnh tranh nhau để được đi. Mỗi lần lên đường, nếu mình chuẩn bị tốt cho mỗi chuyến đi thì chắc chắn sẽ ấn tượng và mỹ mãn vì thời gian không có nhiều, công việc lại rất bận.

‘ * Chuyến đi nào với chị ấn tượng nhất?


- Nếu không phải là hai lần đến Trường Sa thì chắc chắn đó là chuyến xuất ngoại xa đầu tiên với nhà thiết kế Minh Hạnh vào năm 2006. Hồi đó, tôi vừa được giao phụ trách chương trình Thời trang & cuộc sống. Chuyến đi Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan trong Tuần lễ thời trang Việt Nam tại châu Âu đã trở thành một kỉ niệm đẹp. Xin gia đình hỗ trợ kinh phí đi lại, một mình tác nghiệp với hai máy quay, lỉnh kỉnh chân máy, ắc quy và micro, tự biên tập và dẫn tại hiện trường với máy quay fix sẵn trong thời tiết giá lạnh của mùa đông. Chuyến đi kéo dài hơn 2 tuần với 6 chương trình lên sóng để lại ấn tương thật tốt.

Từ một cô sinh viên báo chí rụt rè, công việc làm báo đã cho tôi trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi. Tôi nghĩ kinh phí chỉ là một phần, nếu như chúng ta chuẩn bị tốt cho nó từ những món ăn mang theo từ Việt Nam, những món quà Hà Nội nho nhỏ cho những ai mình gặp trên đường và quan trọng là có sức khỏe thật tốt để sẵn sàng thay đổi múi giờ và thời tiết. Tôi cũng hay tìm hiểu thông tin qua internet để tham khảo làm sao trong thời gian ngắn có thể đi được hết các nơi cần đến, không bỏ sót những địa danh quan trọng và thưởng thức những đặc sắc tại đây. Đồng nghiệp tại VTV3 hay đùa rằng chắc tôi có nhiều hoa chân, nhưng hình như tôi cũng nhiều hoa tay thì phải vì thường xuyên vác nặng và chẳng ngại việc gì!


Đi du lịch trong thời gian ở cữ

* Những lúc đi xa nhà, công việc gia đình được chị sắp xếp thế nào?

- Sở thích du lịch chỉ là một yếu tố nhỏ. Quan trọng hơn cả là mỗi chuyến đi còn giúp người làm báo như tôi có thêm nhiều kinh nghiệm. Tôi rất may mắn được hai bên gia đình nội ngoại ủng hộ. Gia đình chồng cũng làm báo nên mẹ chồng rất hiểu, thông cảm và sẵn sàng trông cháu giúp con dâu trong những chuyến đi. Là người hay sốt ruột, tôi bao giờ cũng gọi điện và thu xếp thời gian về sớm nhất đoàn, xong xuôi công việc là muốn xách vali ra sân bay về với con ngay nhưng bao giờ mẹ chồng cũng khuyên không nên vội vàng, công việc là quan trọng nhất.

Tôi may mắn có được mẹ chồng tâm lí và yêu quý con cháu hết mực. Đấy cũng là sức mạnh vô hình để mình yên tâm mỗi lần vắng nhà. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ bê công việc gia đình. Phụ nữ làm báo, lại là báo hình thì chẳng khác nào làm… dâu tây. Nhiều dịp gia đình có công việc cưới hỏi, ma chay hay giỗ chạp mình không có nhà cũng áy náy lắm nhưng được cái ai cũng thông cảm. Năm nào, gia đình tôi cũng thu xếp đi du lịch ít nhất là hai lần, một lần vào Tết và một lần vào mùa hè khi các cháu đựoc nghỉ ngơi.

* Hình như hai bé Vừng và Lạc cũng thừa hưởng “máu” du lịch từ mẹ?

- Các cháu rất hứng khởi với các chuyến đi. Chỉ cần được báo đi du lịch, mỗi cháu đã có riêng một cái vali cho mình và tự biết sắp xếp đồ dùng cá nhân. Các cháu còn được hướng dẫn tự lên mạng kiểm tra về thời tiết để chuẩn bị quần áo và thức ăn. Thậm chí, cháu còn chủ động nhắc mẹ mang thêm túi để đựng quần áo bẩn. May mắn là các cháu chưa từng ốm trong các chuyến đi.

Bao giờ tôi cũng hướng dẫn các cháu viết lại cảm xúc sau mỗi điểm khám phá. Tôi mua tặng các cháu những cuốn sổ nhỏ để viết cảm nhận của mình, không còn quá dài như chuyến đi ấy có gì đặc biệt, có gì ấn tượng, có gì chưa hài lòng… Lớn hơn khi nhìn lại những tấm hình và sổ nhật kí du lịch sẽ là những kỉ niệm rất đẹp. Quan điểm của tôi là cho con học hỏi bằng nhiều cách, học qua sách vở, qua cuộc sống và qua sự quan sát, tự lập của bản thân.

* Được biết, vừa sinh con được 3 tháng, chị đã ôm con lên đường du lịch?

- Thực ra thì cũng giống như nhiều khách du lịch nước ngoài, họ mang theo cả những em bé sơ sinh đi du lịch khắp Việt Nam cách xa nửa vòng Trái đất. Tại sao chúng ta phải giữ con cái trong bốn bức tường? Tôi nghĩ đó là một sự thiệt thòi. Sau một tuần sinh con, tôi đã có lịch bảo vệ luận án Thạc sĩ. Sau một tháng, tôi đã đi học lái xe ô tô hàng ngày. Tôi nghĩ đấy mới là cuộc sống. Nếu như chúng ta cảm thấy không phải cố với nó mà thấy vui vẻ, hưởng thụ thì tại sao không? Mỗi người quan niệm một khác, quan trọng là gia đình hai bên ủng hộ và sức khỏe cho phép.

Từ xưa đến nay, gia đình tôi không có quan niệm đưa con ra đường phải chấm son lên trán hay phải mang theo dao bên cạnh. Sinh em bé xong, tôi chẳng kiêng bất kì món gì, thích gì ăn nấy và may mắn không bị mẹ chồng ép ăn theo chế độ bà đẻ. Mỗi cơ thể, mỗi sức khỏe, mỗi quan điểm đều phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và hoàn cảnh. Hãy làm theo những gì mà cơ thể mình chấp nhận được và hãy sống một cuộc sống văn minh, tỉnh táo, khoa học. Có như vậy, cuộc sống sẽ sinh động hơn. Ba tháng là quá dài để có thể xách vali lên đường. Thời gian chăm sóc em bé trên ô tô chẳng khác gì trong bốn bức tường, cũng đủ an toàn và ấm áp. Tôi nghĩ, bố mẹ thoải mái, vui vẻ thì con cái sẽ được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất.


Chơi Tết trên những nẻo đường

* Như chị đã chia sẻ, Tết chính là khoảng thời gian gia đình tận dụng để đi du lịch. Đối với nhiều gia đình, đây cũng là một quan điểm khá lạ lẫm?

- Rất ít năm gia đình tôi ở nhà vào ngày Tết. Mùng 2 Tết, sau khi xong xuôi việc gia đình hai bên, chúng tôi lại xách vali lên và đi. Có nhiều năm, những chuyến đi là sự kết hợp đợt công tác trong Tết. Nếu bố bận đi làm thì mẹ và hai công chúa đi thăm thú bạn bè và tham quan phong cảnh. Tôi đi đâu cũng có bạn bè và đồng nghiệp nên ít khi thiếu vắng sự hẹn hò. Phong tục ngày Tết đi thăm họ hàng cũng có thể làm trong cả năm. Đêm Giao thừa ăn Tết với gia đình bên nội, mùng 1 là ngày chúng tôi dành cho gia đình bên ngoại và một số bạn bè thân thiết. Từ mùng 2 là có thể yên tâm lên đường và chỉ trở về vào trước ngày phải có mặt xông đất VTV. Có năm, vợ chồng tôi còn mời được cả bên nội đi ăn Tết phương Nam, có năm thì đi cùng một số gia đình bạn bè. Cuộc sống là như thế, hãy cứ đi và trải nghiệm. Và khi nào hết tiền, cạn sức khỏe thì quay về với mái ấm.

* Chơi Tết trên các nẻo đường chắc hẳn rất nhiều thú vị, phải không chị?

- Đường phố vắng vẻ, không khí Tết tràn ngập và tự mỗi người được hưởng không khí ấy một cách trọn vẹn. Thú vị nhất là tại mỗi vùng đi qua, chúng tôi cảm nhận được các phong tục đón Tết khác nhau. Không chủ đích ngày hôm nay phải đến đây, ngày hôm sau nhất định phải gặp ai đó, chúng tôi đi chơi Tết không đặt quá nặng chương trình, thích đâu thì dừng lại nghỉ, dừng lại ăn và dừng lại ngắm cảnh chụp ảnh, vui thì ở lại lâu, không vui thì về sớm. Thế nên, mọi việc rất thoải mái và thực sự đấy mới là thời gian quý báu để hưởng thụ không khí của mùa xuân bên gia đình.

Chúng tôi chuẩn bị phong bao lì xì, đồ chơi, bánh kẹo… sau ô tô và mừng tuổi cho trẻ con dọc đường. Có năm chúng tôi bị bỏ đói trưa mùng 2 Tết vì không có hàng quán bán trong ngày Tết. Cứ lái xe đi rong ruổi, ở đâu bán thì dừng, không bán thì ghé vào một gia đình nào đó để mượn bếp rán bánh chưng, hấp xôi, giò, rán lại mấy hộp nem mang theo và mừng tuổi cho trẻ con trong gia đình. Ngày Tết nên ai cũng mở lòng và vui vẻ, khách lạ xông đất đầu năm trước lạ sau quen...

Đi xa rong ruổi cả ngày nên không thể nghỉ một cách xuề xòa được. Và thường những ngày ấy, cả nhà đều ngủ đủ giấc, dậy trễ hơn ngày thường và nạp đủ năng lượng thì lại lên đường tiếp. Được cái, trẻ con rất thích nghi, các cháu ngoan, nghe lời bố mẹ và cũng có máu… phượt. Đến bữa chưa có chỗ ăn thì cũng vui vẻ chấp nhận, tự mang sữa, bánh, bim bim ra thưởng thức tạm. Những chuyến đi như vậy nhiều khi không tuân thủ theo đúng giờ đúng giấc, hầu như trẻ con không ngủ trưa và chỉ chợp mắt trên ô tô. Trên đường đi, chúng tôi hay kể cho con nghe đang qua vùng gì, ở đây có cái gì hay và mong trở thành hướng dẫn viên chu đáo nhất của con.

Rong ruổi mấy ngày Tết, cả gia đình ai cũng rất thích. Thậm chí có năm chúng tôi rủ được thêm 4 gia đình đồng nghiệp VTV cùng lang thang đến Huế trong 5 ngày. Tôi quan niệm, việc ở nhà thắp hương tổ tiên, thăm viếng họ hàng có thể thành tâm trong suốt cả năm, không chỉ là ba ngày Tết. Chắc các cụ cũng thông cảm và chiều con cháu nên chấp nhận thú lang thang ngày đầu năm cho cả gia đình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước