Những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua (23/6 – 29/6)

PV-Chủ nhật, ngày 29/06/2014 12:23 GMT+7

Báo chí quốc tế tiếp tục lên án những hành động sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông, Ukraine tiếp tục đối mặt với khủng hoảng hay Iraq từ chối thành lập Chính phủ mới... là những sự kiện được theo dõi nhiều nhất trong tuần qua.

1. Khủng hoảng Ukraine dưới góc nhìn của người dân

Tân Tổng thống Poroshenko đã công bố một kế hoạch ngừng bắn đơn phương nhằm tạo điều kiện cho các tay súng ở miền Đông hạ vũ khí và bước vào đàm phán. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau lời tuyên bố này của Tổng thống Poroshenko, các tay súng ở miền Đông Ukraine đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất này.

Giới trẻ Ukraine – một lực lượng tích cực mong muốn Ukraine xích lại gần hơn với phương Tây – cũng không thể phủ nhận những áp lực xã hội mà họ đang phải đối mặt.

Hiện hơn 46 triệu người dân Ukraine vẫn đang phải nỗ lực vượt qua khó khăn với chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đảm bảo đời sống kinh tế. Việc tiền tệ mất giá gây ảnh hưởng đầu tiên đến những tầng lớp dân nghèo, chiếm tỷ lệ đáng kể trong xã hội Ukraine.

2. Mỹ mạnh tay với hoạt động do thám của Trung Quốc

Tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cho rằng, hoạt động gián điệp mạng do Nhà nước Trung Quốc bảo trợ là “mối đe dọa” cho an ninh Mỹ và Washington sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc hôm 25/6, trước thềm cuộc đàm phán song phương cấp cao hàng năm giữa hai nước, Đại sứ Max Baucus cho hay, do thám mạng là hành vi phạm tội và đi ngược những cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Đại sứ Baucus, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn hành động tội phạm xảy ra trong thế giới thực và không chấp nhận hành động tội phạm trong không gian mạng.

3. Báo chí quốc tế lên án về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông

Báo chí quốc tế tuần qua tiếp tục lên án những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, hai nhật báo uy tín Le Monde và Les Echos của Pháp đã đăng tải một số bài viết chỉ trích mạnh mẽ những hành động này.

Báo Le Monde của Pháp ra ngày 24/6 dành 2 trang để phân tích tình hình trên biển Đông và tham vọng của Trung Quốc tại vùng biển này.

Trang nhất tờ báo với bức ảnh lớn có tiêu đề “Trung Quốc tăng cường khiêu khích và đe dọa hòa bình ở biển Đông”. Bức ảnh tàu lớn của Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu nhỏ của Việt Nam có kèm chú thích: “Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, khi công khai khi kín đáo, để đòi chủ quyền trên biển”.

Bên trong là 2 trang báo khổ lớn, với các bài do phóng viên báo này gửi về từ Bắc Kinh, Hà Nội và Tokyo. Toàn bộ các bài báo phân tích một cách khách quan và từ nhiều hướng về thực chất những gì đang diễn ra trên vùng biển Đông. Bài báo trên trang 2, với tiêu đề “Trung Quốc áp đặt điều kiện trên Biển Đông” phân tích tham vọng của Trung Quốc. Theo bài báo, thì “tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đã buộc các nước láng giềng phải phản ứng”.

4. Hàn Quốc - Triều Tiên nối lại đàm phán về Kaesong

Ngày 26/6, Triều Tiên và Hàn Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán về việc vận hành khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong, sau sáu tháng gián đoạn do căng thẳng leo thang giữa hai nước.

Trưởng phái đoàn đàm phán của Hàn Quốc Lee Kang-woo đã hoan nghênh sự kiện này khi ông rời Thủ đô Seoul để tới Kaesong.

Sau khi mở cửa trở lại, hai bên đã nhất trí rằng ủy ban chung mới cần phải nhóm họp ít nhất 1 lần/quý, bất chấp những căng thẳng gần đây giữa hai miền Triều Tiên.

5. Iraq từ chối thành lập Chính phủ mới

Thủ tướng Iraq Nouri Maliki ngày 25/6 cam kết sẽ thành lập Chính phủ liên minh nhưng từ chối lời kêu gọi thành lập chính phủ cứu nguy dân tộc thống nhất, đại diện cho tất cả nhóm thiểu số và tôn giáo, để chống lại các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo Sunni.

Ông Maliki cảnh báo việc thành lập Chính phủ đại diện cho tất cả nhóm thiểu số và tôn giáo sẽ đi ngược lại kết quả bầu cử Quốc hội hồi tháng 4/2014 và tiến trình dân chủ.

6. EU ngừng hợp tác với Thái Lan

Các Ngoại trưởng EU hôm 23/6 đã lên án cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan và nhất trí có các biện pháp trừng phạt để ủng hộ những kêu gọi về việc nhanh chóng khôi phục luật pháp dân chủ.

Tuyên bố cũng khẳng định, EU sẽ không ký Hiệp định đối tác và hợp tác với Chính phủ Thái Lan cho đến khi một Chính phủ do dân bầu được thành lập.

Chính quyền quân sự Thái Lan đã bày tỏ thất vọng trước quyết định này của Liên minh châu Âu.

Trước EU, Mỹ cũng đã thông báo hủy bỏ hàng loạt chương trình hợp tác với Thái Lan, trong đó có cuộc tập trận, chương trình huấn luyện vũ khí cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và chương trình tham quan Mỹ nhằm nâng cao nghiệp vụ dành cho cảnh sát cấp cao Thái Lan, cũng như các chuyến thăm trao đổi quân sự giữa hai nước.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước