2 trẻ phải nhập viện do ong vò vẽ đốt

P.V, icon
05:00 ngày 24/08/2023

VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ) vừa tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp bệnh nhi bị ong đốt.

Hình minh hoạ.

Bệnh nhi B.M.N. (7 tuổi, trú tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn.

Theo chia sẻ của gia đình, sáng ngày 22/8, khi đang chơi bên nhà hàng xóm, bệnh nhi bị ong vò vẽ do gia đình hàng xóm nuôi đốt 11 nốt vào đầu, vùng vai và tay. Sau khi bị ong đốt, bệnh nhi xuất hiện đau đầu, choáng váng, gia đình đã nhờ người đến truyền dịch và dùng thuốc giảm đau tại nhà.

Đến khoảng 22h cùng ngày, bệnh nhi xuất hiện đau đầu dữ dội, choáng váng, đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều. Thấy tình trạng của bệnh nhi, gia đình đã đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra, xử trí và chỉ định làm những xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để nắm được tình trạng của bệnh nhi và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Sau 15 phút cấp cứu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định hơn. Hiện tại, bệnh nhi đã không còn tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, ăn uống bình thường và có thể xuất viện.

Cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhi N.G.H. (8 tuổi, trú xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng đau đầu, khó thở, người rét run.

Mẹ bệnh nhi kể lại: Khi đang đi ngoài đường, bệnh nhi bất ngờ bị 1 con ong vò vẽ đốt vào cánh tay trái. Sau khi bị đốt, bệnh nhi xuất hiện đau đầu, chóng mặt, khó thở, người rét run. Gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhi đến trạm y tế xã sơ cứu sau đó chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy để được thăm khám và điều trị.

Sau khi thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán: Phản vệ độ II do ong đốt. Các bác sĩ nhanh chóng xử trí đưa ra phác đồ điều trị.

Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi đã ổn định hơn, qua giai đoạn phản vệ, còn tình trạng nhiễm khuẩn đang được theo dõi và điều trị kháng sinh dự phòng.

Theo các bác sĩ, nọc ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm. Khi bị ong đốt có thể gây ra tình trạng cấp cứu sốc phản vệ, tiếp đó tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu. Tại vị trí ong đốt có thể xuất hiện nhiễm khuẩn hoại tử nếu không được dự phòng, điều trị kháng sinh có nguy cơ tiến triển gây nhiễm khuẩn huyết và tử vong.

Chính vì vậy, khi gặp tình trạng ong vò vẽ đốt, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí sớm nhất, tránh trường hợp xấu xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục