Ánh đèn đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

Nhật Anh, icon
06:55 ngày 06/06/2020

VTV.vn - Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ mới đây cho thấy: Ánh sáng đèn điện vào đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ đã mãn kinh.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Mỹ. Nhóm tác giả đã tiến hành đánh giá mối liên quan giữa nguy cơ mắc ung thư vú và mức độ ô nhiễm ánh sáng ở nơi sinh sống, dựa trên ảnh chụp từ vệ tinh của 200.000 phụ nữ đã ở tuổi mãn kinh.

Kết quả phân tích đã chỉ ra: Việc thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo cường độ cao vào ban đêm làm tăng 10% nguy cơ mắc ung thư vú ở những phụ nữ đã mãn kinh. Nguyên nhân là do ánh sáng nhân tạo gây rối loạn nhịp sinh học, từ đó làm giảm số lượng hormone melatonin mà cơ thể sản xuất. Trước đó, đã có các nghiên cứu khẳng định: Ánh sáng nhân tạo có thể ức chế sự sản sinh melatonin - loại hormone có nhiệm vụ chính là điều khiển quá trình cơ thể thư giãn và hồi phục trong lúc ngủ. Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy melatonin còn ngăn chặn sự phát triển của một số loại tế bào ung thư nhất định.

Bệnh cạnh những yếu tố nguy cơ truyền thống như hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, môi trường, chỉ số BMI của cơ thể, mối liên quan giữa ánh sáng sáng nhân tạo và rủi ro mắc ung thư vú vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học suốt nhiều năm qua.

Một số chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng: Nếu ánh sáng thực sự có khả năng làm tăng thêm rủi ro mắc bệnh, thì lượng tăng thêm có thể quá nhỏ để gây lo lắng. Trong khi đó, vẫn có những cách thức khác để phụ nữ phòng ngừa ung thư vú đáng quan tâm hơn như: duy trì cân nặng cân đối, thường xuyên vận động thể chất, ngừng hút thuốc, giảm lượng bia rượu hấp thu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục