Bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch chồng dịch

VTV Digital, icon
12:57 ngày 05/07/2023

VTV.vn - Nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng trước nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nhất là khi đang là thời điểm nghỉ Hè.

Mùa Hè là điều kiện để Virus phát triển, gây một số bệnh truyền nhiễm và lây nhiễm ở trẻ nhỏ. Mới đây, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, không để xảy ra thiếu thuốc, tiêm chủng không đúng thời hạn, để xảy ra dịch bệnh; tích cực phòng, chống dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa hè, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Thế nhưng, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian gần đây ghi nhận liên tiếp nhiều trẻ nhập viện do mắc cùng lúc nhiều bệnh dịch. Đáng chú ý, trong đó có viêm phổi do Mycoplasma gây ra với các triệu chứng không điển hình. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, cao điểm có tới 350 trường hợp điều trị nội trú, chiếm khoảng 30% số bệnh nhi đang điều trị bệnh đường hô hấp.

Gia tăng bệnh viêm phổi trong mùa Hè

Bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 1.

Những ngày gần đây, tại Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục điều trị cho hàng chục trẻ viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma gây ra. Đáng nói, đa số bệnh nhi đều không được phát hiện sớm do nhầm lẫn với các bệnh khác. Các bác sĩ cho biết, nếu không xác định chính xác bệnh và điều trị đúng thuốc, tình trạng của trẻ có thể nặng thêm, dẫn tới suy hô hấp.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân làm số trẻ mắc viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma tăng cao hơn mọi năm, được xác định là do sau dịch COVID-19 có biến đổi về miễn dịch. Một số vi khuẩn gây bệnh không theo quy luật, khiến tình hình nhiều bệnh thay đổi không theo mùa như trước.

Bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 2.

Cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

Hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng một thời điểm đang gây nhiều khó khăn cho ngành y tế Việt Nam. Tình hình sắp tới được dự báo tiếp tục phức tạp, nhất là với những nhóm bệnh chưa có vaccine phòng ngừa. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 13 nghìn ca mắc tay chân miệng. Đáng lo ngại, nhiều ca biến chứng nặng.

Các chuyên gia y tế cũng dự đoán đỉnh dịch tay chân miệng có thể sẽ rơi vào khoảng tháng 7, lúc này mùa mưa sẽ bắt đầu và nguy cơ dịch tay chân miệng chồng dịch sốt xuất huyết là rất cao. Số ca mắc, trở nặng và tử vong sẽ tiếp tục tăng nếu không kịp thời triển khai các giải pháp chống dịch và điều trị có hiệu quả.

Bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 3.

Nếu những năm trước, bệnh tay chân miệng bùng phát thành dịch vào thời điểm tháng 8 và tháng 9, khi trẻ bắt đầu vào năm học mới thì năm nay hiện số ca bệnh đã tăng và có thể trở thành đỉnh dịch trong thời gian tới. Theo Cục y tế dự phòng, trung bình cả nước ghi nhận 350 ca mỗi tuần phải nhập viện. Đáng lo ngại, tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40%.

Tay chân miệng là bệnh theo mùa, tuy nhiên bệnh có diễn tiến nặng khá nhanh. Nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đi các cơ sở y tế thăm khám, đến khi nhập viện bệnh đã trở nặng. Tại khu vực phía Bắc, đã bắt đầu có xu hướng trẻ nhập viện tăng lên rõ rệt với chủng bệnh này, đa phần với những biểu hiện sốt liên tục trong thời gian dài.

Không chỉ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng của dịch tay chân miệng, khi vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết cũng gia tăng mạnh. Tuần qua TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 200 ca, tăng 18% so với trung bình tháng trước.

Ngành y tế cũng đã đưa ra dự báo nguy cơ dịch chồng dịch, có thể dẫn đến quá tải y tế, gây nhiễm trùng bệnh viện và lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi thăm khám sớm nếu có những biểu hiện về bệnh tránh tâm lý chủ quan nhập viện quá muộn với những biến chứng nặng.

Bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 4.

Phòng chống bệnh mùa Hè cho trẻ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục