Bệnh gout: yếu tố nguy cơ - cách phòng ngừa

Linh Chi, icon
11:54 ngày 17/12/2018

VTV.vn - Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin với đặc điểm chính là tăng acid uric máu và tình trạng lắng đọng tinh thể monosodium urat ở khớp và phần mềm quanh khớp.

Hình minh họa.

Theo Ths Nguyễn Thị Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng nhanh trên toàn thế giới và hiện đang là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm đối với cộng đồng. Bệnh đã và đang trở thành gánh nặng kinh tế - xã hội cho cộng đồng.

Triệu chứng

Các triệu chứng bệnh hầu hết là cấp tính, người bệnh bị đánh thức đột ngột vào nửa đêm do đau khớp dữ dội. Gout thường ảnh hưởng những khớp trên ngón chân cái, nhưng cũng có thể ở khớp bàn chân, mắt cá chân, gối, bàn tay, cổ tay…

Cơn đau điển hình có thể kéo dài 5 - 10 ngày rồi ngưng. Người bệnh cảm thấy các khớp như bị lửa đốt, nóng rát, sưng phồng, đau đớn và cảm giác nặng nề không thể chịu đựng nổi. Khó chịu sẽ giảm dần dần sau 1 - 2 tuần, các khớp có vẻ không có gì bất thường.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh gout

Giới tính: Đa số bệnh nhân gút là nam giới (90 - 95%). Điều này có thể do nam giới có lối sống, chế độ ăn nhiều đạm giàu purine, rượu bia, cũng có thể do di truyền (enzyme).

Tuổi: Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh gout càng tăng. Các nghiên cứu cho thấy: ở nam giới tuổi mắc bệnh gout là 40 - 50 tuổi, ở nữ giới thường là sau mãn kinh.

Tình trạng uống rượu bia: Sự kết hợp giữa rượu, bia với bệnh gout đã được nói đến từ thời cổ xưa. Nhiều nghiên cứu thấy rằng: có tới 75% - 84% bệnh nhân gout uống rượu bia thường xuyên trung bình từ 7 - 10 năm. Uống rượu trong thời gian dài dẫn đến tăng acid uric máu do tăng sản xuất acid uric và giảm đào thải ở thận.

Béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) > 25 làm tăng nguy cơ mắc gout lên gấp 5 lần so với người không béo phì.

Thói quen ăn uống: bệnh nhân có thói quen ăn thức ăn nhiều thịt, hải sản, phủ tạng động vật.

Tăng acid uric máu và các rối loạn chuyển hóa khác: Tăng đường máu và rối loạn lipid máu là các bệnh rối loạn chuyển hóa thường kết hợp với bệnh gout. Tăng cholesterol gặp trong khoảng 20% bệnh nhân gút, tăng triglycerid gặp trong 40% số bệnh nhân.

Yếu tố gia đình: có thể có yếu tố gen nào đó chưa được phát hiện hoặc do chế độ sinh hoạt, ăn uống giống nhau trong gia đình.

Thuốc: Việc dùng một số thuốc kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hoặc bài tiết acid uric dẫn đến tăng acid uric máu. Các thuốc này bao gồm: thuốc lợi tiểu như Thiazide, Furosemid; Aspirin; thuốc chống lao như Pyrazynamid…

Các bệnh lý liên quan: Một số các bệnh mạn tính có liên quan đến bệnh gout và tăng acid uric máu, trong đó hay gặp là bệnh lý thận. Hầu hết tổn thương thận ở bệnh nhân gout nguyên phát là xơ hóa thận do tăng huyết áp. Tuy nhiên, tăng acid uric máu có thể là nguyên nhân trực tiếp trong quá trình tiến triển của bệnh thận và tăng huyết áp.

Tâm lý thờ ơ, chủ quan với bệnh gout là tình trạng chung của nhiều người bệnh. Người bệnh thường chủ quan, điều trị không đến nơi đến chốn, không kiên trì.

Đặc biệt, bệnh nhân thường bị bệnh ở giai đoạn tuổi 35 - 50. Trong độ tuổi này, bia rượu không thể tránh khỏi. Sau mỗi bữa nhậu với các thực phẩm giàu đạm, rượu bia và các loại thực phẩm nhiều purin thì cơn đau gout lại tái phát. Lúc này, nồng độ acid uric lại tăng lên, tiếp tục ngày càng dày rất khó để loại bỏ. Đây cũng là nguyên nhân khiến cơn đau gout thường xuyên tái phát.

Về lâu dài, khi gout chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ gây ra các biến chứng như xuất hiện u cục (hạt) tophi, biến dạng khớp và các biến chứng trên thận, tim mạch, huyết áp, mỡ máu, dạ dày.

Cách phòng ngừa bệnh

Hiện chưa có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa sự khởi phát và tái phát của các cơn gout. Tự chăm sóc bản thân, thay đổi lối sống không thể điều trị bệnh gút, nhưng rất hữu ích để hỗ trợ điều trị. Các biện pháp sau giúp giảm và ngăn ngừa triệu chứng:

- Giảm béo, giảm nồng độ acid uric máu, đồng thời giảm bớt sự chịu đựng sức nặng của các khớp. Tuy nhiên, không nên nhịn đói để giảm cân nhanh vì như vậy lại càng làm tăng acid uric máu.

- Tránh ăn quá nhiều đạm động vật. Đây là nguồn chứa nhiều purin. Các thực phẩm chứa nhiều purin như tạng động vật (gan, thận, não, lách), cá trồng, cá trích, cá thu,…các loại thịt, cá, gia cầm chứa ít purin hơn.

- Giới hạn hoặc tránh rượu. Uống quá nhiều rượu làm giảm bài tiết acid uric. Nếu bạn đang bị gout, tốt nhất nên tránh hoàn toàn rượu bia.

- Hãy ăn uống nhiều nước, chất lỏng. Dịch làm pha loãng nồng độ acid uric trong máu bạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục