Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa, lũ

Thủy Nguyễn, icon
05:28 ngày 20/12/2016

VTV.vn - Trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật.

Ảnh minh họa.

Sau đợt hạn hán lịch sử trong hơn nửa thế kỷ, chỉ trong 2 tháng trở lại đây, mưa ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã lên đến 2.500 đến trên 2.700 mm. Theo tính toán, lượng mưa trên đã lớn hơn lượng mưa trung bình của cả một năm và gấp nhiều lần so với bình quân của các năm trước đây. Điều này đã gây ra lũ đặc biệt lớn trong nhiều năm qua.

Đặc biệt mưa lũ tại các tỉnh khu vực miền Trung từ tháng 10 đến nay đã gây ngập úng rất nhanh, ngập sâu trên diện rộng tại một số địa phương nên rất khó khăn trong việc chủ động đề phòng. Trước diễn biến mưa lũ kéo dài tại các tỉnh miền Trung, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh bùng phát và khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh.

Theo đó, trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Tại nhiều nơi bị cô lập trong khi bị lũ lụt, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước sạch, trong khi đó mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác súc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan nên có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thực tế đã chứng minh, ở các vùng, miền sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ, bệnh nước ăn chân… có thể tạo thành dịch nguy hiểm.

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại các khu vực bị lũ lụt, các cơ sở y tế tại các tỉnh/thành phố trong cả nước cần đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, hóa chất khử trùng nước.

Theo Cục Y tế dự phòng, đặc biệt chủ động giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch để kịp thời huy động, bố trí lực lượng như đội cơ động phòng chống dịch xử lý kịp thời tại các vùng xảy ra ngập úng, lũ quét; cung cấp hóa chất và hướng dẫn cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước.

Công tác vệ sinh môi trường, chủ động xử lý làm sạch nguồn nước sinh hoạt cần được phổ biến và tuyên truyền rộng khắp đến từng hộ gia đình để người dân nắm được và nghiêm túc thực hiện.

Người dân cần chủ động thực hiện khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau lũ lụt, thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Cục Y tế dự phòng cho biết, người dân cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. 

Ngoài ra, kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!


Cùng chuyên mục