Các cách sơ cứu cơ bản khi bị rắn độc cắn

Phương Thúy - Chúc Dương (Ban Thời sự), icon
10:47 ngày 24/09/2017

VTV.vn - Khi chẳng may bị rắn cắn, người bị nạn cần phải phân biệt rắn độc và rắn không độc.

Theo đó, người bị rắn cắn cần bình tĩnh xem xét triệu chứng tại chỗ như: dấu răng, phù nề, màu sắc vùng da bị cắn...

Nếu là rắn thường (rắn không độc) như: trăn, rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn lục cườm... không có tuyến nọc và không có răng độc mà chỉ có răng hàm, nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.

Nếu là rắn độc sẽ có hai tuyến nọc và hai răng độc, do đó khi cắn mổ từ trên xuống có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại hai dấu răng trên vết cắn. Rắn độc cắn thường có 2 dấu răng nhưng đôi khi cũng chỉ có một dấu răng hoặc 3, 4 dấu răng, do đó nên khám xét kỹ, tránh bỏ sót.

Ngoài ra, người bị rắn cắn cũng có thể dựa vào triệu chứng toàn thân để phân biệt có phải rắn độc cắn hay không.

Rắn không độc cắn: Phản ứng tại chỗ nhẹ, phản ứng toàn thân không có. Rắn độc (rắn hổ, rắn lục): Nạn nhân sẽ trào đờm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu toàn thân, nôn ra máu...

Nếu bị nhóm rắn lục cắn, việc cần làm là giải quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử. Do đó, không cần ga rô, không rạch rộng, không hút máu. Lý do là ga rô sẽ làm bệnh nhân dễ hoại tử hơn, rạch rộng sẽ làm chảy máu không cầm được. Cần băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nếu nạn nhân bị nhóm rắn hổ cắn, thời gian bị cắn đến tử vong nhanh nhất khoảng 90 phút, còn các loài rắn khác chậm hơn. Do đó, cần phải chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức trước thời gian đó. Tránh đi loanh quanh ở những nơi không có điều kiện cấp cứu hồi sức và không có kháng huyết thanh đặc hiệu mà bỏ lỡ cơ hội cứu sống nạn nhân.

*Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!

Cùng chuyên mục