CDC Đồng Nai khuyến cáo người dân tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

P.V, icon
03:00 ngày 05/05/2024

VTV.vn - Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng có nguy cơ gia tăng.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn

Trong những ngày vừa qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và các bệnh viện lân cận đã tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì mua tại một tiệm bánh mì trên địa bàn thành phố Long Khánh.

Đây là hồi chuông cảnh báo cho thấy nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn khi chúng ta lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm hàng ngày. Trước mối nguy này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai liên tục phát đi khuyến cáo về việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

CDC Đồng Nai khuyến cáo người dân tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1.

Một bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại TP Long Khánh (Đồng Nai).

Theo bác sĩ Hồ Thị Hồng, CDC Đồng Nai: Có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, một số nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…

Triệu chứng, mức độ nguy hiểm của ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng chất độc ăn phải, loại ký sinh trùng gây bệnh và sức khỏe của mỗi người. Vụ ngộ độc thực phẩm điển hình thường sẽ có từ hai người trở lên cùng có triệu chứng tương tự như nhau sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ, người không ăn thì không bị bệnh. Một số triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm gồm đau bụng, nôn, sốt hay tiêu chảy, trường hợp nặng có thể dẫn tới sốt cao, khó thở, co giật thậm chí là tử vong. Do đó, khi có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, người dân cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

10 nguyên tắc vàng trong vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng có nguy cơ gia tăng do nhiệt độ môi trường cao thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

CDC Đồng Nai khuyến cáo người dân tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2.

Tiệm bánh mì Cô Băng (TP Long Khánh, Đồng Nai) nơi liên quan vụ việc khiến gần 500 người ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì tại đây.

CDC Đồng Nai khuyến cáo người dân tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm - Ảnh 3.

Để chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm, người dân, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cần nắm rõ 10 nguyên tắc vàng của Tổ chức Y tế thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm dưới đây:

1. Chọn thực phẩm tươi, an toàn: Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.

3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.

4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng nhất thiết phải được đun kỹ lại.

6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác: Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi nước trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục