Cây cơm cháy chữa vết thương

Linh Chi, icon
02:33 ngày 24/07/2019

VTV.vn - Theo Đông Y, cây cơm cháy được dùng để rửa, đắp vào vết thương, sưng đau, bong gân.

Cây cơm cháy (Ảnh: H.M.D).

Theo Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, cây cơm cháy có vị hơi đắng, tính ấm. Rễ chống co thắt và tiêu phù; thân và lá lợi tiểu, tiêu phù và giảm đau. Rễ trị đòn ngã tổn thương, gãy xương, thấp khớp. Thân và lá trị viêm thận, phù thũng. Dùng ngoài chữa đụng giập, ngứa, eczema. Liều dùng 30 - 60g, dạng thuốc sắc.

Vào thời Tuệ Tĩnh, lá cây cơm cháy đã được dùng nấu nước tắm cho bà đẻ. Người dân thường dùng lá nấu nước đặc để rửa vết thương, tắm ghẻ lở và giã chung với giấm hay xào nóng đắp sưng vú. Quả và vỏ được dùng sắc uống với liều 12 - 20g để thông lợi đại - tiểu tiện, chữa kiết lỵ, táo bón và thấp thũng.

Cây cơm cháy còn có tác dụng sơ can kiện tỳ, hoạt huyết hóa ứ, lợi tiểu tiêu phù, dùng trị viêm gan cấp tính, viêm thận phù thũng, phong thấp đau nhức, phong ngứa mày đay, té ngã tổn thương, gãy xương.

Đơn thuốc:

- Ngã bị thương: Dùng cơm cháy (rễ) 60g, đun nước rồi uống. Cũng dùng lá tươi giã đắp chỗ bị thương.

- Viêm thận phù thũng: Dùng cơm cháy (toàn cây) 30 - 60g, đun nước uống.

- Huyết trệ kinh bế: Cơm cháy 30g, hương phụ chế 30g, ích mẫu thảo 15g, sắc uống ngày 1 thang.

- Suy nhược đau mỏi cơ lưng: Rễ cơm cháy 100g, ngũ gia bì 90g, cốt toái bổ 90g, ngưu tất 50g. ngâm với 1,5 lít rượu gạo ngon, sau nửa tháng uống được, mỗi lần 10 - 30ml.

- Mày đay, ngứa ngoài da: Cọng lá cơm cháy tươi 500g, nấu nước ngâm rửa vùng da bị bệnh.

- Lở loét do dị ứng sơn (tất sang): Cọng lá cơm cháy tươi 120g nấu nước, để nguội, rửa vết loét.

- Sưng đau, bong gân: Rễ và lá non cơm cháy lượng vừa đủ, giã nhuyễn với chút muối ăn, bó vào vết thương, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

- Sưng vú: Lá cơm cháy giã nhuyễn, thêm chút giấm xào nóng đắp.

- Di tinh, bạch đới: Rễ cơm cháy 30g, cật heo 1 quả, chưng cách thủy ăn.

Lưu ý:

- Cơm cháy hơi độc, có tính mãnh liệt, không dùng cho phụ nữ có thai, không nên uống quá liều. Hoa quả và vỏ cây dùng liều 3g/kg thể trọng có thể gây độc, biểu hiện đái nhiều, ỉa lỏng và nôn mửa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục