Để mẹ nhiễm HIV sinh con khỏe mạnh

Mai Lê, icon
03:51 ngày 03/12/2023

VTV.vn - Lây truyền từ mẹ sang con là 1 trong 3 đường lây truyền của HIV.

Bệnh nhân nhiễm HIV được nhận cấp thuốc ARV. (ảnh: Đình Thi)

Theo số liệu thống kê của Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tình hình bệnh nhân mắc HIV/AIDS có xu hướng gia tăng, nhất là trong nhóm có quan hệ đồng giới (LGBT), chủ yếu quan hệ đồng giới nam. Tính đến nay, toàn tỉnh đang điều trị 763 bệnh nhân. Riêng về phụ nữ mắc HIV mang thai, trung bình mỗi năm toàn tỉnh ghi nhận từ 15-17 bệnh nhân.

Trong 3 quý đầu năm 2023, toàn tỉnh có 11 phụ nữ mang thai mắc HIV được phát hiện, quản lý và điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng virus ARV. Tất cả những trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều không mắc bệnh.

Theo kết quả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV mang thai nếu không được can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV thì sẽ có 30 - 40 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Còn nếu thai phụ được can thiệp dự phòng sớm, đúng thời điểm, đúng thuốc thì các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoàn toàn khỏe mạnh không bị nhiễm HIV. Điều này đã mang lại rất nhiều hy vọng và niềm vui cho các cặp vợ chồng nhiễm HIV.

Có thể thấy, lợi ích của chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con rất thiết thực và ý nghĩa. Được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ năm 2009, suốt những năm qua, chương trình đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình người nhiễm HIV/AIDS.

Theo BSCKI. Huỳnh Thị Hồng Sinh, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, HIV không chỉ gây ra những tác hại về mặt sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Phụ nữ bị nhiễm HIV khi mang thai sẽ có tỷ lệ lây truyền sang con là rất cao (khoảng 30%). Nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì sự lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra khi đang mang thai, giai đoạn chuyển dạ sinh con và thời kỳ cho con bú mẹ.

Đối với phụ nữ mang thai không biết mình mắc HIV, bên cạnh các triệu chứng thường thấy giống với các sản phụ bình thường khi mang thai như mệt mỏi, nghén… thì phụ nữ mang thai mắc HIV chưa được tiếp cận thuốc ARV sẽ có dấu hiệu sụt cân và sức khỏe suy giảm nặng nề hơn so với thai phụ bình thường, trẻ sinh ra có thể bị suy dinh dưỡng. Do đó, để khống chế sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, việc phát hiện và can thiệp dự phòng sớm là hết sức quan trọng.

Thực tế, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ chiếm khoảng 30-40%. Tuy nhiên, nếu các trường hợp mẹ bị nhiễm HIV được chăm sóc dự phòng tốt thì tỷ lệ lây truyền sang con sẽ giảm xuống thậm chí chỉ còn 1%. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ em bị lây truyền virus HIV sau dự phòng có kết quả âm tính chiếm trên 90%. Chính vì thế, việc trẻ sinh ra có bị lây nhiễm HIV hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị dự phòng ở người mẹ mang thai bị nhiễm virus HIV.

Cũng theo bác sĩ Hồng Sinh, để dự phòng tốt và giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở người mẹ mang thai bị nhiễm HIV thì người mẹ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản và theo dõi, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV là yếu tố có tính chất quyết định.

"Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV đều an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi nên trước, trong và sau khi mang thai. Thực tế cho thấy, những trường hợp trẻ sinh ra từ sản phụ mắc HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV thời gian qua đều khỏe mạnh, phát triển bình thường", bác sĩ Sinh chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa trong quá trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, thai phụ cần lưu ý tuân thủ điều trị, uống thuốc ARV đẩy đủ đều đặn hằng ngày, uống đúng liều lượng, đúng thời gian và thai phụ cần thường xuyên xét nghiệm tải lượng virus trong máu để biết tải lượng virus có tăng cao không, hoặc có gặp vấn đề kháng thuốc hay không. Bên cạnh đó, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Đặc biệt cần lưu ý bổ sung thuốc sắt, canxi cách xa thời gian uống thuốc ARV, bởi nếu uống gần nhau, các thuốc này sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc ARV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục