Đốt cứu chữa nấc cụt kéo dài

P.V, icon
03:44 ngày 30/12/2019

VTV.vn - Hiện nay nhiều người đi châm cứu chữa bệnh, nhưng ít ai phân biệt được châm và cứu là hai phương pháp khác nhau. Trong đó chữa nấc cụt bằng đốt cứu là một ví dụ.

Hình minh họa (Ảnh: thehealthy.com).

Chứng nấc cụt theo Tây y là do thần kinh phế vị và thần kinh cơ hoành bị kích thích, làm cho cơ hoành và cơ thành bụng, cơ ngực co thắt đột ngột, đẩy không khí ra ngoài gây nên tiếng nấc. Theo Đông y, nấc cụt còn gọi là "ách nghịch" có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do vị khí nghịch, khí xông ngược lên qua cổ họng phát thành tiếng, không thể kìm chế được.

Phần lớn chứng nấc ngẫu nhiên tự khỏi, hoặc chỉ dùng một vài thủ thuật đơn giản như uống một ly nước lạnh (từ 7 đến 9 ngụm), hít một hơi dài và nín thở nén không khí xuống bụng, nuốt trộng một muỗng đường kính hoặc ngoáy lỗ mũi gây hắt xì hơi... liền khỏi.

Tuy nhiên, nhiều khi tất cả các phương pháp trên đều vô hiệu, cơn nấc kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày gây ảnh hưởng đến các động tác ăn, uống, nói, thở, ngủ... cần khám và điều trị tích cực mới hết.

Theo lương y Phạm Công Tuấn, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, trong Đông y, để điều trị nấc cụt phải chẩn đoán phân biệt rõ chứng thuộc hàn hay nhiệt, hư hay thực, tùy vào đó mà dùng phương thuốc hay phương huyệt châm cứu thích ứng.

Một bệnh nhân bị nấc cụt kéo dài nhiều ngày, đã sử dụng thuốc và điện châm không khỏi đến khám tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nấc cụt là do vị khí hư nhược, nguồn gốc chính là nguyên khí suy kém; lại do ảnh hưởng ngoại tà (cảm nhiễm gió lạnh, ăn đồ sống lạnh...) khiến vị khí nghịch. Muốn điều trị phải bồi bổ nguyên khí, dẫn hỏa quy nguyên thì vị khí điều hòa, khí nghịch tự giáng.

Bệnh nhân được điều trị bằng sử dụng điếu ngải hơ ấm trên huyệt Quan nguyên (ở dưới rốn 3 đồng thân thốn, tức khoảng 6cm) và huyệt Khí hải (dưới rốn 1,5 thốn, khoảng 3cm, là điểm giữa rốn và Quan nguyên) vốn được coi là nơi hội tụ của nguyên khí, trong phút chốc liền cắt được cơn nấc. Sau điều trị, bệnh nhân khỏe khỏi bệnh hoàn toàn.

Thường thì sau khi cắt được cơn nấc, nên tiếp tục hơ thêm 5 - 7 phút để tránh tái phát. Theo Đông y, thường xuyên hơ ấm 2 huyệt Quan nguyên, Khí hải có thể tăng cường khí lực, phòng trị rất nhiều bệnh tật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục