Chạy đua với thời gian, đưa 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp từ Trường Sa vào đất liền cấp cứu kịp thời

P.V, icon
11:47 ngày 06/09/2023

VTV.vn - 7 giờ ngày 6/9 , trực thăng EC 225 số hiệu VN 8614 đã đưa 3 bệnh nhân bệnh bị hội chứng giảm áp về Bệnh viện Quân y 175 điều trị.

Nhiệm vụ khẩn cấp, cất cánh trong đêm tối

Trao đổi với phóng viên VTV News sáng nay (6/9), đại diện Bệnh viện Quân y 175 cho biết: 3 bệnh nhân: Nguyễn Thanh Xuân sinh năm 1974, Đặng Biên sinh năm 1983, Đặng Văn Phỡn sinh năm 1996 cùng quê quán Phú Quý, Bình Thuận là ngư dân tàu cá BTH 97887TS.

Sau khi cùng lặn sâu khoảng 10-20m trong thời gian khoảng 2h30 để khai thác thủy sản, sau 1 giờ lên tàu, cả 3 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau mỏi, tê bì tứ chi, khó thở được đưa vào bệnh xá Đảo Sinh Tồn vào lúc 5h30 ngày 5 tháng 9.

Chạy đua với thời gian, đưa 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp từ Trường Sa vào đất liền cấp cứu kịp thời - Ảnh 1.

Khẩn trương đưa bệnh nhân lên trực thăng ngay trong đêm.

Kíp quân y tại Đảo Sinh Tồn nhanh chóng kiểm soát bước đầu tình trạng các dấu hiệu sinh tồn của 03 bệnh nhân và hội chẩn Telemedicine với Viện Y học Hải quân và Bệnh viện Quân y 175.

Qua hội chẩn xác định các bệnh nhân Đặng Biên, Đào Văn Phỡn bệnh giảm áp mức độ vừa riêng bệnh nhân Nguyễn Thanh Xuân có tiến triển nặng bệnh giảm áp giờ thứ 22 do lặn sâu, đã có biến chứng suy hô hấp, có nguy cơ tổn thương tủy, thần kinh trung ương, đe dọa tính mạng, vượt quá khả năng điều trị của quân y đảo Sinh Tồn, đề nghị vận chuyển cấp cứu bằng trực thăng về đất liền kịp thời mới có khả năng cứu sống bệnh nhân.

Chạy đua với thời gian, đưa 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp từ Trường Sa vào đất liền cấp cứu kịp thời - Ảnh 2.

Túc trực chăm sóc bệnh nhân trên chuyến bay khẩn cấp về đất liền.

Chạy đua với thời gian, đưa 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp từ Trường Sa vào đất liền cấp cứu kịp thời - Ảnh 3.

Trực thăng hạ cánh trên sân đỗ tại Bệnh viện Quân y 175.

Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Binh đoàn 18 đã điều động trực thăng EC 225 số hiệu VN 8614 với cơ trưởng Trung tá Đỗ Hoàng Nam, cùng kíp cấp cứu đường không Bệnh viện quân y 175 do thượng úy Tạ Văn Bạch làm tổ trưởng xuất phát từ lúc 19h giờ 50 ngày 5 tháng 9 tại sân bay Tân Sơn Nhất bay đến đảo Sinh Tồn để đưa 3 bệnh nhân về đất liền.

Trực thăng đưa 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp về tới đất liền.

Lần đầu tiên vận chuyển cùng lúc 3 bệnh nhân nguy cấp về đất liền

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi cấp cứu, vận chuyển cùng lúc 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp, đặc biệt là bệnh nhân Xuân mức độ nặng nặng, tổn thương nhiều cơ quan như phổi (bệnh nhân có suy hô hấp), cơ quan tiêu hóa. Đồng thời trên nền có tiểu đường type 2 (với mức đo đường huyết mao mạch rất cao: 28mmol/L), kíp cấp cứu phải tiến hành đảm bảo hô hấp, bù dịch, bù điện giải và isulin. Trong suốt chuyến bay tổ cấp cứu đường không luôn hiệp đồng cùng tổ bay đảm bảo trần bay an toàn cho bệnh nhân tránh bay quá cao (vì lên cao áp suất tiếp tục giảm làm nặng thêm bệnh giảm áp) và theo sát diễn biến của những bệnh nhân này. Kết quả là tổ đã đảm bảo an toàn trong suốt chuyến bay" thượng úy Tạ Văn Bạch chia sẻ.

Chạy đua với thời gian, đưa 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp từ Trường Sa vào đất liền cấp cứu kịp thời - Ảnh 5.

Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận, chăm sóc các bệnh nhân vừa được vận chuyển từ đảo về.

Chạy đua với thời gian, đưa 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp từ Trường Sa vào đất liền cấp cứu kịp thời - Ảnh 6.

Chuyến bay cấp cứu đã bảo đảm đúng yêu cầu, hạ cánh an toàn tại sân đỗ tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175. Ngay sau đó, 3 bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu lưu để làm các xét nghiệm và điều trị chuyên sâu.

Thời gian qua, Bệnh viện Quân y 175 đã cấp cứu kịp thời rất nhiều trường hợp giảm áp từ biển đảo đưa vào đất liền điều trị kịp thời. Những chuyến bay thần tốc bất kể đêm ngày, mưa giông... đã cứu sống nhiều chiến sĩ, ngư dân... đang làm nhiệm vụ, sản xuất trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với đặc thù biển đảo, nước ta có nhiều thợ lặn công tác, làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Quốc phòng, cứu hộ, dầu khí, xây dựng, khai thác hải sản...

Phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ, những người thợ lặn thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị giảm áp, ngay cả với những người có kinh nghiệm lâu năm. Đó là khi người thợ lặn lặn xuống quá sâu, cơ thể phải chịu áp lực cao, sau đó khi ngoi lên mặt nước quá nhanh có thể dẫn đến sự sụt giảm đột ngột của áp suất xung quanh.

Lúc này, cơ thể sẽ bị tổn thương gây ra do các bọt khí hình thành trong mạch máu và dịch trong cơ thể.

Khi bị giảm áp, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm: Liệt tay chân, chảy máu phổi, nhồi máu cơ tim... Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong hay tàn phế suốt đời rất cao.

P.V (tổng hợp)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục