Hà Nội: Trên 22.500 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện và xử lý trong năm 2017

Minh Đức, icon
12:08 ngày 04/01/2018

VTV.vn - Trong năm 2017, Hà nội đã phát hiện và xử lý 22.562 cơ sở vi phạm, phạt tiền 7.213 cơ sở với số tiền phạt hơn 37 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP.

Trong năm 2017 vừa qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều hành động trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Nhiều công tác kiểm tra, hậu kiểm, gắn với xây dựng mô hình cung ứng thực phẩm an toàn và tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đã được thực hiện, đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Cụ thể, trong năm 2017, toàn thành phố đã thành lập 817 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tiến hành kiểm tra 110.930 cơ sở, phát hiện vi phạm và xử lý 22.562 cơ sở, trong đó phạt tiền 7.213 cơ sở với số tiền phạt hơn 37 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Số lượt cơ sở được kiểm tra tăng 8.286 cơ sở so với năm 2016, số tiền phạt vi phạm hành chính tăng hơn 9 tỷ đồng.

Trong năm 2017 đã ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 9 người mắc tại bếp ăn tập thể. Vụ việc đã được điều tra, xử lý kịp thời, không xảy ra trường hợp tử vong.

Cũng trong năm qua đã ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm methanol với 37 trường hợp mắc, trong đó có 10 trường hợp tử vong, hầu hết là người nghiện rượu, hay uống rượu. Trong đợt cao điểm phòng chống ngộ độc methanol, thành phố đã thực hiện xét nghiệm nhanh 3.554 mẫu rượu, lấy xét nghiệm methanol tại Labo 112 mẫu có 107 mẫu nằm trong giới hạn cho phép, 5 mẫu vượt quá giới hạn cho phép.

Ngoài công tác kiểm tra, Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình nhằm tăng cường nguồn thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của nhân dân như quy hoạch và triển khai hiệu quả mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi; duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận để kiểm soát nguồn thực phẩm về Thủ đô và tiếp tục mở rộng ký kết với một số tỉnh miền Trung và miền Nam. Triển khai nhiều chương trình, dự án nâng cao năng lực, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các xã, phường, thị trấn; mô hình điểm thức ăn đường phố, tuyến phố văn minh;...

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm được thành phố chú trọng, triển khai đồng bộ ở mọi ban ngành.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nhân lực chuyên trách an toàn thực phẩm còn thiếu so với nhiệm vụ thực hiện. Việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn chưa mạnh mẽ. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trong năm mới 2018, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Xây dựng và triển khai Đề án thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm. Tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng để nâng cao ý thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm với tiêu chí "Người dân Hà Nội không sản xuất, phân phối, tiêu thụ, tẩy chay, tố giác các cơ sở sản xuất, tiêu thụ thực phẩm không an toàn", triển khai các hoạt động và đẩy mạnh tuyên truyền chương trình Bữa ăn an toàn, duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn.

Các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thanh tra chuyên ngành tại các quận, huyện. Tổ chức hệ thống lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tiếp tục ứng dụng phầm mềm giải quyết các thủ tục hành chính và thực hiện phần mềm tích hợp số liệu an toàn thực phẩm các sở, ngành của TP trong năm 2018.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục