Hệ lụy từ việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh

Mỹ Hạnh, icon
05:08 ngày 01/03/2024

VTV.vn - Thói quen tự ý mua thuốc uống để điều trị bệnh có thể gây kháng thuốc, làm bỏ sót khả năng phát hiện các bệnh nguy hiểm khác, thậm chí làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.

Một bệnh nhân do tự ý sử dụng kháng sinh nên mắc nhiều bệnh cùng lúc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Quang Nhật)

Kháng thuốc kháng sinh

Theo các chuyên gia y tế, kháng thuốc kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của chúng. Đây là hiểm họa nghiêm trọng đe dọa sức khỏe, tính mạng con người và gây thách thức cho các bác sĩ trong quá trình điều trị.

Chị T.B.V., (45 tuổi, trú tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) bị mắc bệnh viêm đường tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần. Trước khi đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị bệnh này, chị V. đã mua thuốc về uống khi có triệu chứng tiểu buốt, tiểu rát, tức vùng dưới và cảm giác nước tiểu còn trong bàng quang dù mới đi tiểu. 

Mặc dù được bán 5 ngày thuốc nhưng khi uống được 3 ngày, các triệu chứng mắc bệnh không còn, cứ nghĩ bệnh đã khỏi nên chị V. không uống thuốc nữa. Một tuần sau đó, các triệu chứng bệnh lại tiếp tục tái diễn thì chị V. mới đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Hiện nay, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, thậm chí là đa kháng thuốc đang xảy ra rất nhiều do người dân có thói quen tự mua thuốc về uống, khi vi khuẩn chưa chết hẳn thì bỏ dở thuốc nên vi khuẩn sống lại, bệnh tiếp tục tái diễn và lần sau sẽ nặng hơn lần trước. Có những trường hợp bị dai dẳng, liên tục, điều trị lâu khỏi bệnh, bác sĩ phải dùng thuốc đặc biệt để điều trị cho bệnh nhân thì bệnh mới khỏi.

Làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh

Như trường hợp ông N.T.M. (68 tuổi, trú tại huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông), sau khi ngủ dậy, ông M., bị tụt lưỡi, méo miệng, nói khó, tay không cầm nắm được. Nhận thấy đây là dấu hiệu của bệnh đột quỵ nên gia đình cho ông M. uống thuốc aspirin. Sau nhiều ngày tình trạng bệnh không cải thiện, lại xuất hiện triệu chứng đi cầu phân đen, có mùi tanh, lúc này gia đình mới đưa ông M. đi bệnh viện. 

Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, ông M. được chẩn đoán bị tai biến (đột quỵ) kèm xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày do tự ý sử dụng thuốc. May mắn trường hợp này chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc tự ý cho người bệnh uống thuốc khi chưa có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí mắc thêm các bệnh nguy hiểm khác, hơn nữa việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ thời gian là vàng, chậm trễ sẽ để lại hậu quả khó lường, thậm chí là tử vong.

Theo bác sĩ Trần Xuân Nhã, Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị xuất huyết não trước khi đến bệnh viện điều trị, có không ít bệnh nhân đã được gia đình cho uống những loại thuốc kháng các loại tiểu cầu hoặc thuốc chống đông tại nhà khiến tình trạng xuất huyết não nặng hơn, bệnh nhân bị hôn mê sâu hơn. Lúc này bác sĩ phải áp dụng phương pháp điều trị nặng hơn, chẳng hạn phải cho bệnh nhân đặt ống nội khí quản, bệnh nhân phải thở máy...

Từ trước đến nay, nhiều người thường có thói quen tự ý dùng thuốc mỗi khi có triệu chứng mắc bệnh. Sử dụng bừa bãi không chỉ khiến kháng thuốc kháng sinh, đến khi thực sự cần thiết dùng đến kháng sinh thì không còn hiệu quả, làm khó khăn và thất bại trong điều trị. Có nhiều loại thuốc khi tự ý uống mà không có chỉ định của bác sĩ, lâu ngày gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, như: viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết nội tạng, suy thận…hoặc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng một số bệnh về tim mạch, lao phổi, gan, thận…

Do đó, việc sử dụng thuốc cần đúng bệnh, đúng người, đúng thuốc và đúng liều là hết sức cần thiết để hạn chế tối đa tác dụng phụ. Chúng ta không nên vì sự tiện lợi mà đánh đổi sức khoẻ, tính mạng của bản thân, người thân của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục