Lá vông hạ áp, an thần

P.V, icon
12:31 ngày 12/05/2018

VTV.vn - Cây lá vông thường gặp trong các bụi dọc bờ biển, lân cận với các rừng ngập mặn và trong rừng thưa, có nhiều nơi ở nước ta.

Cây lá vông nem (Ảnh: Bệnh viện YHCT Đà Nẵng)

Theo bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, lá vông nem có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, làm an thần, gây ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp, co bóp các cơ.

Trên lâm sàng, thường dùng Vông nem chữa tim hay hồi hộp, ít ngủ hoặc mất ngủ, trẻ em cam tích, viêm ruột ỉa chảy, kiết lỵ, viêm da, lở chảy nước, phong thấp, chân tê phù, ung độc. Ngày dùng 4-6g lá và 10-15g vỏ thân, dạng thuốc sắc.

Ðể làm thuốc an thần, có thể phối hợp với lạc tiên, lá dâu, tâm sen. Ðể chữa bệnh trĩ, dùng lá tươi xào với trứng gà ăn, rồi dùng lá già giã ra, nướng nóng đắp vào hậu môn. Ðể chữa vết thương, dùng lá tươi nấu nước rửa và lá khô tán bột rắc.

Ðơn thuốc:

- An thần: Lá vông với lá dâu non, mỗi thứ 15g, nấu canh ăn cho dễ ngủ, khỏi sốt âm, trằn trọc, nhức đầu chóng mặt.

- Chảy máu cam, đại tiện ra máu, lòi dom: Lá vông, lá sen mỗi thứ 15g lá khô sắc uống; hoặc 30g lá tươi giã vắt nước cốt uống, bã đắp rịt hậu môn.

- Kinh nguyệt không đều, rong kinh: Hoa vông 15g, sắc uống.

- Phong ngứa ngoài da: Vỏ vông nem, xà sàng tử (lượng bằng nhau), tán bột hòa mỡ heo bôi.

- Đau răng: Vỏ vông nem sắc nước ngậm súc hoặc tán bột mịn, rắc vào chỗ răng đau.

- Rắn cắn: Hạt hay vỏ vông nem giã nhỏ, đun với ít nước thành bột nhão đắp lên vết cắn.

- Dịch đỏ mắt: Vỏ vông nem 40g, cắt nhỏ, rửa nước muối, sao sơ, hãm nước sôi, đợi nguội bớt đem rửa mắt.

- Sưng vú mới phát: Vỏ vông nem 20g, đường đỏ 100g, sắc uống.

- Sau khi sinh, máu xấu đưa lên choáng đầu, mờ mắt: Vỏ cây vông nem già, lá Mần tưới, cỏ mần trầu, cỏ xước, mỗi vị 10-15g, sắc uống.

- Phong thấp: Vỏ vông nem, vỏ chân chim, kê huyết đằng, phòng kỷ, ý dĩ sao, ngưu tất mỗi vị 15g, sắc uống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục