Làm gì khi gặp người co giật do động kinh?

P.V, icon
01:31 ngày 30/12/2019

VTV.vn - Động kinh là bệnh lý thường gặp trong chuyên khoa thần kinh với ước tính có khoảng 500 triệu người trên thế giới mắc bệnh.

Hình minh họa.

Theo bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, Khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân dân 115, động kinh là một bệnh lý của não bộ, xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc. Khi các tín hiệu điện tại não bị sai lạc sẽ gây ra động kinh. Cơn động kinh biểu hiện bằng những thay đổi về ý thức, vận động, cảm giác và giác quan của người bệnh.

Bệnh nhân có thể vẫn còn cơn động kinh, mặc dù đang được điều trị liên tục. Trong cơn động kinh, bệnh nhân thường cần đến sự chăm sóc của người khác. Do đó, sự giúp đỡ đúng đắn của bạn góp phần đem lại sự an toàn cho người bệnh.

Có nhiều loại cơn động kinh khác nhau. Loại được biết đến nhiều nhất là động kinh cơn lớn: bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường đột nhiên ngã lăn ra đất, mất ý thức, trợn mắt, gồng cứng người, sau đó co giật. Trong cơn, bệnh nhân thở rất yếu hoặc ngưng thở, tím môi. Sau một hoặc hai phút, cơn co giật giảm dần rồi ngưng, bệnh nhân sẽ dần thở lại như bình thường rồi từ từ tỉnh lại.

Ngoài ra, động kinh có thể biểu hiện bằng những cơn co giật cục bộ, thay đổi ý thức, thay đổi về cảm giác hoặc giác quan; với đặc điểm cơn ngắn chỉ một hoặc hai phút và tái đi tái lại.

Những việc nên làm khi gặp người động kinh co giật

- Giúp bệnh nhân không bị chấn thương trong lúc đang co giật bằng cách di dời những đồ vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân ra xa.

- Đặt một chiếc gối mỏng, mềm dưới đầu bệnh nhân; nới lỏng cổ áo, cà-vạt, thắt lưng…

- Nên cho bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, chùi sạch nước bọt hoặc các chất nôn ói (nếu có).

- Ghi nhận thời gian cơn co giật (co giật kéo dài trong bao lâu).

- Khi cơn co giật thoái lui, đảm bảo bệnh nhân thở lại như bình thường.

Những việc không nên làm khi gặp người động kinh co giật

- Không cố gắng ngăn ngừa bệnh nhân cắn phải lưỡi bằng cách đưa bất cứ một thứ đồ vật nào vào miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chẳng may cắn phải lưỡi lúc co giật, khi hết cơn đưa bệnh nhân vào bệnh viện may lại.

- Không đè hoặc giữ tay chân bệnh nhân lúc đang co giật.

- Không nặn chanh vào miệng bệnh nhân, cũng như không ép bệnh nhân uống thuốc hoặc uống nước cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn.

Cần biết rằng cơn động kinh chỉ kéo dài từ 1 - 2 phút, sau đó sẽ tự ngưng.

Khi nào cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện?

- Bệnh nhân chưa được chẩn đoán động kinh trước đó.

- Bệnh nhân đang mang thai, đang bị tiểu đường hoặc bị chấn thương lúc co giật.

- Cơn co giật kéo dài trên 5 phút.

- Cơn co giật thứ hai xảy ra ngay khi cơn đầu tiên vừa chấm dứt.

- Sau cơn, bệnh nhân không thở lại tốt như bình thường, than đau đớn trong người hoặc không tỉnh lại.

Bệnh nhân bị động kinh nên đeo thẻ bài có chữ "bệnh động kinh" trên cổ hoặc tay, để khi cơn động kinh xảy ra, những người xung quanh có thể biết cách giúp đỡ bạn tốt hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục