Những lưu ý về dưỡng thai sau thụ tinh ống nghiệm

Tuấn Bảo, icon
10:11 ngày 22/12/2018

VTV.vn - Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp áp dụng cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Khi phôi được chuyển vào tử cung, người mẹ bắt đầu quá trình thai kỳ.

Hình minh họa.

Theo Ths.BS Nguyễn Thị Nhã, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, đối với người phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm, sau khi được chuyển phôi, các hoạt động thường ngày cần hết sức lưu ý để tạo điều kiện cho thai phát triển và tránh các biến cố đáng tiếc xảy ra.

Chế độ dinh dưỡng

Cũng như mọi bà mẹ mang thai khác, bạn cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng và cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng:

Chất đạm: tập trung chủ yếu trong các loại thịt tươi (bò, lợn, gà…), cá, trứng, các loại đậu, các loại hạt… Chất đạm rất cần thiết cho việc xây dựng cơ bắp của bé, là nguyên liệu hình thành cơ, xương, mô liên kết và các cơ quan nội tạng. Chất đạm cũng cung cấp dưỡng chất cho tử cung, tuyến vú… ngày một lớn lên của người mẹ.

Chât béo: là dưỡng chất thiết yếu đối với sự phát triển tế bào não, đồng thời là nguồn năng lượng quan trọng giúp cơ thể chuyển hóa vitamin. Chất béo có trong dầu, cá béo, bơ, lòng đỏ trứng, các loại hạt…

Chất bột đường: ngũ cốc, khoai tây, các loại đậu… cung cấp phần lớn nhất trong số calo dung nạp vào cơ thể.

Vitamin - khoáng chất: góp phần cho hoạt động chức năng của cơ thể, đặc biệt cần thiết đối với phụ nữ mang thai. Hãy ăn các loại trái cây, rau củ có màu sắc khác nhau, bởi chúng sẽ cung cấp các vitamin và dưỡng chất cần thiết khác nhau cho cơ thể.

Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, bạn cũng cần uống nhiều nước, dùng các loại viên uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.

Chế độ làm việc, sinh hoạt

Sau khi chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm thành công, nếu không được các bác sĩ khuyến cáo đặc biệt thì bạn vẫn có thể sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc như mọi thai phụ bình thường khác, miễn là công việc của bạn không quá sức.

Trong môi trường công sở, bạn cần tránh việc đứng hay ngồi một chỗ quá lâu. Bạn nên đứng dậy và vận động đôi chút mỗi 30 - 40 phút để máu lưu thông tốt, tránh phù chân hay bị chứng giãn tĩnh mạch. Vào buổi trưa, hãy tranh thủ nghỉ ngơi và chợp mắt trong khoảng 30 - 40 phút để cơ thể lấy lại sức sau thời gian làm việc buổi sáng.

Khi mang thai, bạn cần hạn chế đến những vùng có dịch, nơi đông người. Khi ra ngoài, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn nên mang khẩu trang để phòng ngừa mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

Nghỉ ngơi trong suốt thai kỳ là rất quan trọng. Hãy ngủ đủ, ngủ đúng, không thức quá khuya. Nếu công việc của bạn quá nhiều, đòi hỏi phải tập trung sức lực, thời gian, thì bạn cũng cần giảm bớt để tránh việc lao lực quá sức. Đối với bạn lúc này, an toàn cho bé là điều quan trọng nhất.

Chế độ vận động

Vận động vẫn được khuyến khích, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt có chỉ định phải nghỉ ngơi, hạn chế vận động của bác sĩ. Nếu thai kỳ bạn bình thường, không có bệnh lý thì có thể vận động như bình thường.

Trên thực tế, việc tập luyện thể dục thường xuyên, đều đặn sẽ tạo cảm giác hưng phấn, giúp bạn vui vẻ, tự tin, đồng thời cũng giảm các triệu chứng thai nghén, cải thiện lưu thông máu và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, để an toàn nhất, bạn có thể hỏi tư vấn của bác sĩ về hình thức vận động và thời gian vận động phù hợp với tình trạng của mình.

Đi bộ, tập yoga, bơi lội là những môn vận động nhẹ nhàng, an toàn, phù hợp với phụ nữ có thai. Hãy dành thời gian khoảng 30 phút mỗi ngày cho việc tập luyện, bạn sẽ thấy tinh thần thư thái, giảm căng thẳng, mỏi mệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục