Nối bàn chân đứt lìa cho người bệnh bị tai nạn lao động

P.V, icon
10:43 ngày 20/02/2024

VTV.vn - Người bệnh 44 tuổi, là công nhân Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương vào viện trong tình trạng đứt lìa bàn chân trái do tai nạn lao động.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, qua thăm khám, các bác sĩ cho biết: Người bệnh có vết thương đứt rời hoàn toàn bàn chân trái ở vị trí khớp cổ bàn chân, đầu trung tâm phần mềm dập nát nham nhở, lộ xương gãy. Phần đứt rời là bàn chân trái ngang xương sên dập nát, các gân cơ bị nhổ rút khỏi cẳng chân cùng nhiều dị vật bẩn.

Người bệnh nhanh chóng được triển khai cấp cứu cầm máu vết thương, bảo quản phần bàn chân đứt rời, kháng sinh chống nhiễm trùng, giảm đau chống sốc và làm các xét nghiệm cơ bản.

Song song với đó, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn các chuyên khoa: Chấn thương, Mạch máu, Phẫu thuật Bỏng - Tạo hình, Vi phẫu và quyết định tiến hành phẫu thuật vi phẫu nối phần bàn chân đứt rời.

Được sự đồng ý phương pháp điều trị trên cũng như chấp nhận mọi rủi ro của gia đình và cơ quan nơi người bệnh xảy ra tai nạn; tại phòng mổ, người bệnh đã được hai kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật đồng thời:

Kíp xử lý phần trung tâm đã cắt lọc, làm sạch tổ chức dập nát, bảo tồn tối đa hệ mạch nuôi dưới da và mô lành. Bơm rửa nhiều lần làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý và Betadin. Cắt phần đầu xương chày dập nát, bỏ mảnh rời xương mác. Bộc lộ động mạch chày trước, tĩnh mạch hiển, động mạch, tĩnh mạch chày sau, thần kinh chày.

Kíp xử lý phần ngoại vi là bàn chân trái đứt rời đã cắt lọc rửa sạch, bộc lộ động mạch, tĩnh mạch, thần kinh, bơm rửa kỹ mạch máu bàn chân. Tiến hành ghép lại xương sên cố định bằng kim kirschner..

Sau đó, ê kíp các bác sĩ phẫu thuật tiến hành cắt ngắn phần dập nát đầu dưới xương chày và ghép đầu dưới xương chày vào xương sên, cố định đóng cứng khớp cổ chân bằng 04 kim Kirschner. Khâu nối lại các mạch máu bằng chỉ prolen 8.0: nối 1 tĩnh mạch chày sau, 1 động mạch chày sau, 1 động mạch mu chân, 1 tĩnh mạch hiển; khâu nối thần kinh chày, thần kinh mác sâu bằng chỉ prolen 8.0.

Sau nối mạch, kiểm tra lưu thông cấp máu tốt, búp ngón chân hồng căng có hồi lưu mao mạch. Người bệnh được xoay vạt da tại chỗ phủ mạch máu, gân và đầu xương gãy. Đặt dẫn lưu lòng máng, khâu da thưa. Đặt nẹp cố định cẳng bàn chân.

Theo TS.BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng Khoa Điều trị Theo yêu cầu, sau phẫu thuật người bệnh được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực ngoại điều trị 3 ngày, sau đó người bệnh chuyển về Khoa Điều trị theo yêu cầu tiếp tục theo dõi. Hiện tại người bệnh tỉnh, mạch huyết áp ổn định, không sốt, búp ngón hồng, hồi lưu mao mạch tốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục